Trong hai bài phát biểu trước các phiên họp của Liên Hiệp Quốc tại New York vào ngày 16/7, Đức Tổng Giám mục Gabriele Caccia, Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc, đã nhấn mạnh rằng cộng đồng quốc tế đang mang một “trách nhiệm luân lý và chính trị” trong việc hỗ trợ các quốc gia đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

Ngài đặc biệt lưu tâm đến tình trạng của các quốc đảo nhỏ, các quốc gia châu Phi và các nước đang phát triển, khi khẳng định rằng “tình trạng nghèo đói kéo dài và lan rộng tiếp tục ảnh hưởng đến hàng triệu người, tước đoạt sự no đủ vật chất, làm tổn thương phẩm giá được Thiên Chúa ban cho và cản trở sự phát triển toàn diện của con người”.

Đức Tổng Giám mục Caccia khẳng định, Tòa Thánh xác tín rằng việc giảm đói nghèo không chỉ là một “mệnh lệnh luân lý” mà còn là một đòi hỏi về kinh tế mà cộng đồng quốc tế phải tiếp tục hướng tới.

Trong bài phát biểu, Đức Tổng Giám mục lưu ý rằng nhiều quốc gia đang phát triển đang phải gánh chịu nợ công nặng nề, với khoảng 3,4 tỷ người đang sống ở những quốc gia chi tiêu cho lãi vay nhiều hơn cả ngân sách y tế và giáo dục cộng lại.

Ngài nói: “Việc giảm nợ không phải là một hành động rộng lượng, mà là bước đi cần thiết để tạo ra không gian tài khóa giúp các quốc gia đầu tư vào sự phát triển toàn diện.”

Vì vậy, Tòa Thánh kêu gọi “giảm nợ ngay lập tức, bao gồm cả việc xóa nợ và tái cấu trúc nợ”, đồng thời mở rộng khả năng tiếp cận các khoản tài trợ cho những nước đang đối mặt với mức nợ không bền vững.

Đức Tổng Giám mục Caccia đặc biệt lưu ý rằng gánh nặng nợ công là một trong những trở ngại lớn nhất khiến các quốc đảo nhỏ khó đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững 2030 của Liên Hiệp Quốc.

Hiện có khoảng 40% các quốc gia nhỏ đang lâm vào tình trạng khủng hoảng nợ, đồng thời phải gánh chịu nhiều hơn nợ sinh thái và các thảm họa môi trường, vốn ảnh hưởng chủ yếu đến các nước đang phát triển.

Ngài nói: “Giảm nợ không phải là giải pháp vạn năng, nhưng có thể tạo ra bước ngoặt trong triển vọng phát triển của các quốc gia nhỏ, bằng cách giúp họ có điều kiện tài chính để đầu tư vào các trụ cột thiết yếu như hạ tầng, thích ứng khí hậu, hệ thống y tế và giáo dục.”

Kết thúc bài phát biểu, đại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc kêu gọi đẩy nhanh các nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng nợ mà các nước đang phát triển đang đối mặt, đồng thời trích dẫn lời của Đức Giáo hoàng Lêô XIV: “Năm Thánh mà Giáo hội đang cử hành trong năm nay đòi hỏi chúng ta phải hoàn trả và phân phối lại những của cải đã được tích lũy cách bất công, như là con đường đưa đến hòa giải cá nhân và xã hội”.

Nguồn: vaticannews.va/vi