Khi con cái phản ánh những đặc điểm tiêu cực của cha mẹ

Ai trong chúng ta cũng có tính khí thất thường và con cái của chúng ta cũng vậy. Thật dễ dàng để nhận ra đứa con nào của tôi là đứa “ruột để ngoài da” giống ba, và đứa nào lơ đễnh giống mẹ. Nhưng con cái không chỉ nhận được tính cách từ chúng ta, mà còn chịu tác động từ những cách hành xử chúng ta. Chẳng hạn như, có những lúc chúng ta căng thẳng và quát mắng chúng. Trẻ sẽ tiếp thu điều đó và học được rằng để đối phó với sự căng thẳng và tức giận là quát mắng người khác! Thật thế, có lần đứa con 7 tuổi của tôi gằn giọng với em gái “Đến đây ngay!”. Tôi có thể đoán ra ngay là cháu đã học được từ nơi ai giọng điệu gắt gỏng ấy!  

Là cha mẹ, chúng ta không sai khi sửa phạt con cái khi chúng có những hành động không đúng, nhưng chúng ta đã sai khi không nhìn thấy hoặc thừa nhận những hành vi ấy lại là “phiên bản” của chính chúng ta. Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên tôi nghe thấy con gái mình nói chuyện với chị gái bằng giọng điệu và từ ngữ giống hệt tôi mỗi khi tôi căng thẳng và bực tức. Thật là xấu hổ khi nghe thấy và nhận ra đó chính xác là cách nói của mình!

Khi gặp phải những tình huống như vậy, cha mẹ nên và cần phải làm gì? Dưới đây là một vài gợi ý:

  1. 1.Sửa lỗi.

Mặc dù bạn nhận ra rằng đứa con đã học được từ nơi mình cách cư xử như vậy, bạn vẫn cần phải sửa sai cho con. Bạn nên giải thích tại sao điều đó sai, và nói với cháu rằng bạn biết là cháu đã làm theo cách hành xử của bạn, nhưng điều đó là không ổn.

  1. 2.Thừa nhận.

Hãy nhìn lại xem bạn hành động như thế nào khi bực bội, tức giận hoặc căng thẳng. Tìm ra đâu là những yếu tố tác động đến hành vi của bạn. Nhận thức được bạn đạt đến đỉnh điểm của sự bực dọc ấy ra sao. Từ đó, hãy cố gắng chủ động để tránh làm cho mình trở nên quá tức giận, mất kiên nhẫn để không hành động hoặc nói điều gì đó khiên bạn phải hối tiếc.

  1. 3.Xin lỗi

Khi bạn mắc sai lầm, hãy nuốt sự kiêu hãnh và xin lỗi con cái. Điều này không chỉ dạy cho trẻ bài học rằng, cha mẹ cũng có thể có những lúc không đúng, mà còn giúp trẻ nhận ra việc nói lời xin lỗi không chỉ quan trọng mà còn dễ dàng hơn chúng nghĩ.

  1. 4.Đixưng tội.

Việc lãnh nhận Bí tích Hòa giải và trình bày với linh mục về cuộc đấu tranh với sự bực bội và căng thẳng sẽ giúp ích rất nhiều. Nài xin sự tha thứ cho những lời mắng chửi quá đáng mà bạn đã làm. Với ân sủng và ơn tha thứ sẽ giúp bạn có sức mạnh để tiến lên và thay đổi cách sống. Đồng thời, hãy kéo dài cảm nghiệm của ơn tha thứ đó tới con cái của bạn.

  1. 5.Cầu nguyện.

Chúng ta vẫn thường cầu nguyện cho những nhu cầu của người khác, nhất là của những người thân. Vậy cũng hãy dành thời gian để cầu nguyện cho chính mình. Xin thêm ơn kiên nhẫn và sức mạnh để đối phó với sự căng thẳng và tức giận. Trong những khoảnh khắc thất vọng, hãy xin Chúa trợ giúp, hoặc lời cầu bầu của Mẹ Maria và các Thánh.

  1. 6.Thay đổi.

Chúng ta đều đang cố gắng để chính mình và gia đình đạt tới thiên đàng. Để làm được điều này, chúng ta phải thay đổi và hướng tới mục tiêu không chỉ trở thành những người “tốt” mà còn trở nên những vị “thánh”. Đây là hành trình của cả cuộc đời, thỉnh thoảng có thể chúng ta sẽ thất bại. Nhưng đó là lý do tại sao chúng ta có các Bí tích và lời cầu nguyện.

Chính tình yêu thương và sự đồng cảm có thể giúp chúng ta trở thành những bậc cha mẹ tốt hơn khi chúng ta học cách đối phó với những lúc tức giận bằng lòng trắc ẩn từ trái tim mình. Con cái của chúng ta đang lớn lên mỗi ngày, chúng ta đang dạy chúng cách hành xử trước một thế giới rộng lớn và có nhiều thách đố. Hãy chuẩn bị để dẫn trẻ vào đời với tình yêu bao dung thay vì mất kiên nhẫn, cố chấp, và giận dữ.

Nếu vậy, bạn hãy bắt đầu thực hiện những điều này, ngay hôm nay!

Nancy Flanders

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: catholicdigest.com (6. 11. 2022)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *