Cách đây 35 năm, vào ngày 12/10/1989, trong cuộc viếng thăm Đông Timor, khi đó còn thuộc Indonesia, Thánh Gioan Phaolô II đã cử hành Thánh lễ tại địa điểm có phong cảnh rất đẹp này. Cũng để kỷ niệm sự kiện này, chính quyền Timor đã cho xây một nhà nguyện và dựng tượng Thánh Gioan Phaolô II cao 6m ở đây. Cơ sở này được khánh thành và làm phép ngày 14/6/2008 bởi Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli, khi đó là Sứ thần Tòa Thánh tại Indonesia và Đông Timor.

Từ Tòa Sứ thần, Đức Thánh Cha đến khu vực Taci Tolu cách đó hơn 7 km và được chào đón với một điệu vũ chào đón truyền thống, đặc trưng trong nghi lễ đón tiếp của người Timor.

 

Sau đó Đức Thánh Cha bắt đầu cử hành Thánh lễ trước sự hiện diện tham dự của khoảng 750 ngàn tín hữu.

Thánh lễ kính nhớ Đức Trinh Nữ Maria Nữ Vương được cử hành bằng tiếng Bồ Đào Nha và một số ngôn ngữ bản địa.

Bài đọc thứ nhất trích từ sách ngôn sứ Isaia (9,1-6) được đọc bằng tiếng Tetum, một trong những ngôn ngữ chính của Đông Timor, nói đến lời tiên tri về ơn cứu độ được ban cho dân Chúa khi một trẻ thơ đã chào đời để cứu độ họ. Người sẽ mở rộng quyền bính, và lập nền hoà bình vô tận cho ngai vàng và vương quốc của vua Đavít.

Bài Phúc Âm theo Thánh Luca thuật lại sự kiện thiên thần Gáprien loan báo với Đức Mẹ về việc trở thành Mẹ của Con Thiên Chúa. Tin tưởng rằng “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”, Đức Mẹ đã thưa với thiên thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”.

100%

 

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói rằng tuổi trẻ của Đông Timor là một món quà canh tân sự tươi mới, năng lượng, niềm vui và lòng nhiệt tình của dân tộc này, và còn là một dấu chỉ, “bởi vì khi dành chỗ cho những kẻ bé mọn, chào đón họ, chăm sóc họ và tất cả chúng ta trở nên nhỏ bé trước mặt Thiên Chúa và trước mặt nhau, đó chính là chúng ta mở lòng ra với hành động của Chúa”. Ngài mời gọi họ đừng sợ mất đi mạng sống, hiến tặng thời gian, nhưng theo gương Mẹ Maria, trở nên ngày càng nhỏ bé hơn bằng cách phục vụ, cầu nguyện, nhường chỗ cho Chúa Giêsu, bằng cách từ bỏ điều gì đó để một người anh em hay chị em có thể cảm thấy tốt hơn và hạnh phúc hơn.

Đức Thánh Cha bắt đầu bài giảng với lời của ngôn sứ Isaia: “Một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta” (Is 9,5). Những lời này được nói với cư dân thành Giêrusalem thịnh vượng về vật chất nhưng lại suy đồi nghiêm trọng về mặt đạo đức. Sự giàu sang sung túc lừa dối họ rằng tự họ có thể tự lo cho mình, rằng họ không cần đến Chúa, và sự tự phụ của họ khiến họ trở nên ích kỷ và bất công. Họ bỏ rơi người nghèo, sống không chung thủy và chỉ thực hành tôn giáo bằng hình thức bên ngoài. Vẻ bề ngoài giả dối của một thế giới hoàn hảo khi thoáng nhìn qua đó đã che giấu một thực tế đen tối hơn, buồn bã hơn, khắc nghiệt hơn, tàn khốc hơn, trong đó rất cần sự hoán cải, lòng thương xót và sự chữa lành.

Do đó, ngôn sứ loan báo cho đồng bào của ông một chân trời mới mà Thiên Chúa sẽ mở ra trước mắt họ: một tương lai hy vọng và vui mừng, nơi mà áp bức và chiến tranh sẽ bị xóa bỏ vĩnh viễn (xem Is 9, 1-4). Người sẽ khiến một ánh sáng vĩ đại xuất hiện cho họ (xem câu 1) để giải thoát họ khỏi bóng tối tội lỗi đang đè nặng họ, và Người sẽ làm như vậy không phải bằng sức mạnh quân đội, bằng vũ khí và của cải, nhưng bằng ân sủng của một người con (xem các câu 5-6).

 

Đức Thánh Cha suy tư về hình ảnh: Thiên Chúa chiếu ánh sáng cứu độ bằng việc ban tặng một người con.

Tận gốc rễ của mọi sự sống đều có tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa

Trước hết, Đức Thánh Cha nhận xét về sự chào đời của một đứa trẻ, khoảnh khắc tươi sáng của niềm vui và lễ hội, gieo vào lòng mọi người những ước muốn tốt đẹp, canh tân điều thiện hảo, trở lại với sự tinh tuyền và đơn sơ. Ngài nói: “Đứng trước một trẻ sơ sinh, ngay cả trái tim cứng cỏi nhất cũng ấm áp và tràn đầy sự dịu dàng, những người chán nản lại tìm thấy hy vọng, những người cam chịu tìm lại được ước mơ và tin tưởng vào cơ hội có cuộc sống tốt đẹp hơn. Sự mong manh của một đứa trẻ mang theo một thông điệp mạnh mẽ đến nỗi nó chạm đến cả những tâm hồn cứng rắn nhất, mang lại những quyết tâm hòa hợp và thanh thản”.

Nhưng điều này còn mặc khải cho chúng ta một ánh sáng còn lớn lao hơn nữa, “bởi vì tận gốc rễ của mọi sự sống đều có tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa, có ân sủng, sự quan phòng của Người và quyền năng sáng tạo của Lời Người”. Đức Thánh Cha giải thích: “Trong Chúa Kitô, chính Thiên Chúa đã làm người, một hài nhi, để ở gần chúng ta và cứu rỗi chúng ta”. Ngài nói: “Vì thế, đứng trước mầu nhiệm này, chúng ta không chỉ ngạc nhiên và cảm động, nhưng còn được mời gọi mở lòng ra đón nhận tình yêu của Chúa Cha và để cho tình yêu ấy uốn nắn chúng ta, để tình yêu đó có thể chữa lành vết thương của chúng ta, hòa giải những bất đồng của chúng ta, tái lập trật tự cho cuộc sống của chúng ta, cho đến khi nó trở thành nền tảng cho đời sống cá nhân và cộng đồng của chúng ta, ở mọi cấp độ”.

 

Trẻ em là dấu chỉ của sự mở lòng ra với Chúa

Tiếp tục bài giảng, Đức Thánh Cha ca ngợi Đông Timor có nhiều trẻ em: anh chị em là một đất nước trẻ trung, nơi mà ở mọi ngóc ngách người ta đều có thể cảm nhận được sự sống đang rung động và nảy sinh. Ngài gọi đó là một món quà tuyệt vời vì sự hiện diện của rất nhiều bạn trẻ và rất nhiều trẻ em không ngừng canh tân sự tươi mới, năng lượng, niềm vui và lòng nhiệt tình của dân tộc. Nhưng hơn thế nữa, Đức Thánh Cha nói, nó còn là một dấu chỉ, “bởi vì khi dành chỗ cho những kẻ bé mọn, chào đón họ, chăm sóc họ và làm cho tất cả chúng ta trở nên nhỏ bé trước mặt Thiên Chúa và trước mặt nhau, đó chính là những thái độ mở lòng chúng ta ra với hành động của Chúa. Bằng cách làm cho mình trở nên nhỏ bé, chúng ta để cho Đấng Toàn Năng làm những điều vĩ đại nơi chúng ta, theo mức độ tình yêu của Người, như Đức Maria dạy chúng ta trong Kinh Magnificat (xem Lc 1, 46-49)”.

Đức Thánh Cha nhắc đến lời thưa xin vâng của Đức Maria. “Mẹ đã chọn sống thân phận nhỏ bé trong suốt cuộc sống, hay đúng hơn là trở nên ngày càng nhỏ bé hơn bằng cách phục vụ, cầu nguyện, nhường chỗ cho Chúa Giêsu, ngay cả khi điều này khiến Mẹ phải trả giá rất nhiều, ngay cả khi Mẹ không hiểu rõ mọi thứ đang diễn ra xung quanh Mẹ”.

 

Đừng sợ trở nên nhỏ bé trước mặt Thiên Chúa và trước mặt nhau

Từ đó Đức Thánh Cha khích lệ các tín hữu: “chúng ta đừng sợ trở nên nhỏ bé trước mặt Thiên Chúa và trước mặt nhau, đừng sợ mất đi mạng sống, hiến tặng thời gian, xem xét lại các kế hoạch của mình, bằng cách từ bỏ điều gì đó để một người anh em hay chị em có thể cảm thấy tốt hơn và hạnh phúc hơn. Chúng ta đừng ngại thu hẹp quy mô các dự án của mình khi cần thiết, không phải để giảm bớt chúng, nhưng làm cho chúng trở nên đẹp đẽ hơn thông qua việc hiến thân và chào đón người khác, với tất cả những điều không thể đoán trước được mà việc này đòi hỏi. Bởi vì vương quyền thực sự là vương quyền của những người hiến mạng sống mình vì tình yêu: như Đức Maria và như Chúa Giêsu, Đấng trên thập giá đã cho đi tất cả, trở nên nhỏ bé, không có khả năng tự vệ, yếu đuối (xem Pl 2,5-8), để dành chỗ cho mỗi người chúng ta trong Vương quốc của Chúa Cha (xem Ga 14, 1-3)”.

Vương quyền của Thiên Chúa được tạo nên bởi lòng bác ái và thương xót

Đức Thánh Cha cũng nói đến ý nghĩa của hai đồ vật truyền thống của Đông Timor tượng trưng cho vương quyền của Thiên Chúa. Trong khi “Kaibauk, tượng trưng cho sừng của trâu nước và ánh sáng mặt trời, được đội trên trán hay đặt trên nóc nhà, nói lên sức mạnh, năng lượng và sự ấm áp, và có thể tượng trưng cho sức mạnh ban sự sống của Thiên Chúa, thì Belak, được đeo trước ngực, gợi nhớ đến ánh sáng dịu dàng của mặt trăng, nói lên sự bình an, khả năng sinh sản và sự ngọt ngào, và tượng trưng cho sự dịu dàng của người mẹ, người mà bằng những hành động tinh tế của tình yêu làm cho những gì bà chạm vào đều tỏa sáng với cùng một ánh sáng mà bà nhận được từ Thiên Chúa”.

Do đó, “Kaibauk và Belak, sức mạnh và sự dịu dàng của Cha Mẹ: đây là cách Chúa thể hiện vương quyền của Người, được tạo nên bởi lòng bác ái và thương xót”.

Kết thúc bài giảng, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu cầu xin cho mỗi người chúng ta, với tư cách là những người nam người nữ, với tư cách là một Giáo hội và một xã hội, “có thể phản ánh trên thế giới ánh sáng mạnh mẽ và dịu dàng của Thiên Chúa tình yêu”, Đấng mà như chúng ta đã cầu nguyện trong Thánh Vịnh đáp ca, “Kẻ mọn hèn, Chúa kéo ra khỏi nơi cát bụi, ai nghèo túng, Người cất nhắc từ đống phân tro, đặt ngồi chung với hàng quyền quý, hàng quyền quý dân Người” (Tv 113,7-8).

 

Lời cám ơn của Đức Hồng y Tổng Giám mục của Dili

Vào cuối Thánh lễ, Đức Hồng y Virglio do Carmo da Silva, Tổng Giám mục của Dili, đã bày tỏ lời cảm ơn Đức Thánh Cha. Ngài nói với Đức Thánh Cha: “Sự hiện diện hiền phụ của ngài trên mảnh đất hạnh phúc này là dấu chỉ sự gần gũi của Thiên Chúa đối với những người đơn sơ, nghèo khổ, khiêm nhường và bị gạt ra ngoài lề xã hội. Sự gần gũi, ánh mắt nhân ái, tình yêu và sự quan tâm đối với mảnh đất này, nơi mà hiện nay gần như đã mất hút trong bức tranh toàn cảnh thế giới, cho thấy rằng Đức Thánh Cha là mẫu mực của một nhà lãnh đạo có trái tim của một người cha”. Và để tỏ lòng biết ơn, Giáo hội Đông Timor sẽ luôn nhớ cầu nguyện cho Đức Thánh Cha.

 

Sau Thánh lễ, Đức Thánh Cha đi xe mui trần vòng quanh khu vực để chào các tín hữu và sau đó trở về Tòa Sứ thần dùng bữa và nghỉ đêm.

 

Ngày mai, thứ Tư ngày 11/9/2024, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ giới trẻ tại Trung tâm Hội nghị Dili trước khi từ giã Đông Timor để bắt đầu viếng thăm Singapore.

Nguồn: vaticanews.va/vi