
ĐỨC THÁNH CHA LÊÔ XIV
BÀI GIẢNG
CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN NĂM C
Nhà thờ Chính tòa Albano
Chúa nhật, 20/7/2025
Anh chị em thân mến,
Tôi rất vui khi hiện diện ở đây hôm nay, để cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật tại Nhà thờ Chính tòa tuyệt đẹp này. Như anh chị em đã biết, tôi đáng lẽ đến đây vào ngày 12 tháng Năm, nhưng Chúa Thánh Thần đã sắp xếp cách khác. Tuy nhiên, tôi thực sự vui mừng, và trong bầu khí huynh đệ cùng niềm vui Kitô giáo này, tôi xin gửi lời chào đến tất cả anh chị em hiện diện nơi đây, đến Đức Hồng y, Đức Giám mục Giáo phận, các vị hữu trách và toàn thể cộng đoàn.
Trong phụng vụ hôm nay, bài đọc một và bài Tin Mừng nói với chúng ta về lòng hiếu khách, tinh thần phục vụ và sự lắng nghe (x. St 18,1-10; Lc 10,38-42).
Trường hợp thứ nhất là việc Thiên Chúa viếng thăm Ápraham với cách thức “ba người” đến lều ông “vào giờ nóng nhất trong ngày” (x. St 18,1-2). Chúng ta có thể hình dung cảnh tượng ấy: ánh nắng gay gắt, sa mạc tĩnh lặng, cái nóng thiêu đốt và ba người lạ tìm chốn nghỉ chân. Ápraham đang ngồi “trước cửa lều” trong tư thế chủ nhà, và thật đẹp biết bao khi ông thể hiện vai trò ấy: nhận ra nơi các vị khách có sự hiện diện của Thiên Chúa, ông liền đứng dậy, chạy ra đón, sấp mình xuống đất và nài xin họ dừng lại. Từ đó, toàn cảnh trở nên sống động. Sự tĩnh lặng ban trưa được lấp đầy bằng những cử chỉ yêu thương, không chỉ của Ápraham mà còn của Sara, vợ ông, và các gia nhân. Ápraham không còn ngồi nữa, mà “đứng gần bên họ, dưới bóng cây” (St 18,8); và chính tại đó, Thiên Chúa truyền cho ông một tin vui bất ngờ: “Sara, vợ ông, sẽ sinh cho ông một con trai” (St 18,10).
Diễn tiến của cuộc gặp gỡ này khiến chúng ta suy nghĩ: Thiên Chúa chọn con đường hiếu khách để gặp gỡ Ápraham và Sara, và báo tin cho họ về một sự sống mới, điều mà họ từng khao khát nhưng giờ đây đã tuyệt vọng. Sau bao ân huệ và lần viếng thăm trước đó, Thiên Chúa lại gõ cửa nhà họ, xin được tiếp đón và tin tưởng. Cặp vợ chồng già đáp lại cách tích cực, dù họ chưa biết điều gì sẽ xảy ra. Họ nhận ra phúc lành nơi các vị khách lạ, và chính sự hiện diện của Thiên Chúa. Họ dâng những gì họ có: đồ ăn, sự đồng hành, phục vụ, và bóng mát của cây. Đổi lại, họ nhận được lời hứa về một sự sống mới và một dòng dõi.
Và trong hoàn cảnh khác, bài Tin Mừng cũng nói với chúng ta về cách hành động tương tự của Thiên Chúa. Ở đây, Chúa Giêsu đến như một vị khách tại nhà của Matta và Maria. Người không phải là khách lạ, mà là người bạn thân trong bầu khí thân tình. Một người chị đón tiếp Chúa cách chu đáo, trong khi người em ngồi dưới chân Chúa để lắng nghe, thái độ của người môn đệ đối với Thầy mình. Khi người chị than phiền vì phải làm việc một mình, Chúa Giêsu mời gọi chị ấy nhận ra giá trị của sự lắng nghe (x. Lc 10,41-42).
Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu coi hai thái độ này là đối nghịch nhau, hay đánh giá ai hơn ai giữa hai người phụ nữ. Thực ra, phục vụ và lắng nghe là hai chiều kích song hành của lòng hiếu khách.
Trước hết, trong tương quan của chúng ta với Thiên Chúa. Nếu sống đức tin trong hành động cụ thể và trung tín với bổn phận là điều quan trọng – tùy theo ơn gọi và bậc sống của mỗi người – thì điều thiết yếu không kém là thực hiện điều ấy dựa trên việc suy niệm Lời Chúa và lắng nghe những gì Thánh Thần gợi lên trong tâm hồn. Để làm được điều đó, ta cần dành thời gian cho sự thinh lặng, cầu nguyện, và những khoảnh khắc tĩnh tâm, trong đó ta dẹp yên mọi tiếng ồn và phân tâm, để quy tụ bản thân trước nhan Chúa. Đây là một chiều kích của đời sống Kitô hữu mà ngày nay chúng ta cần khôi phục – không chỉ như một giá trị cá nhân và cộng đoàn, mà còn như một dấu chỉ ngôn sứ cho thời đại chúng ta: dành chỗ cho thinh lặng, lắng nghe Chúa Cha đang nói và “nhìn thấy ở nơi kín đáo” (Mt 6,6). Mùa hè có thể trở nên thời điểm thuận lợi để cảm nghiệm vẻ đẹp và tầm quan trọng của sự thân mật với Thiên Chúa – điều này cũng giúp chúng ta trở nên cởi mở hơn, biết đón tiếp nhau hơn.
Đây là thời gian chúng ta có thể nghỉ ngơi, vừa để chiêm niệm, vừa để gặp gỡ nhau, thăm viếng nhau. Hãy tận dụng dịp này để, sau những bộn bề và lo toan, tìm lấy vài giây phút lắng đọng, tĩnh tâm; đồng thời cũng để chia sẻ niềm vui gặp gỡ – như tôi hôm nay ở đây với anh chị em – và lấy đó làm dịp chăm sóc nhau, trao đổi kinh nghiệm, ý tưởng, hiểu biết và lời khuyên: những điều ấy làm chúng ta cảm nhận được tình yêu thương, điều mà ai cũng cần. Hãy mạnh dạn thực hiện điều ấy. Bằng cách này, qua tình liên đới, chia sẻ đức tin và cuộc sống, chúng ta sẽ vun đắp một nền văn hóa hòa bình, giúp người xung quanh vượt qua chia rẽ, thù nghịch và xây dựng hiệp thông: giữa con người, giữa các dân tộc, giữa các tôn giáo.
Đức Thánh Cha Phanxicô từng nói: “Nếu chúng ta muốn cảm nếm niềm vui trong cuộc sống, chúng ta phải kết hợp hai thái độ này: một đàng, ngồi dưới chân Chúa Giêsu để lắng nghe Người mặc khải điều sâu xa của vạn vật; đàng khác, mau mắn và sẵn sàng đón tiếp khi Người ghé qua và gõ cửa nhà chúng ta, trong gương mặt của người bạn cần được nghỉ ngơi và chia sẻ tình huynh đệ” (Kinh Truyền Tin, 21.7.2019). Ngài nói những lời ấy chỉ vài tháng trước khi đại dịch bùng nổ – một biến cố lớn dạy chúng ta rất nhiều điều, mà ta vẫn còn ghi nhớ đến nay.
Chắc chắn, tất cả những điều ấy đòi hỏi nỗ lực. Cả việc phục vụ lẫn lắng nghe đều không dễ dàng: chúng cần đến sự dấn thân, tinh thần từ bỏ. Chẳng hạn, đòi hỏi ấy thể hiện qua trong lòng trung tín và yêu thương mà người cha, người mẹ dành để chăm sóc gia đình; cũng như trong sự nỗ lực mà con cái đáp lại tại nhà hay ở trường. Đòi hỏi ấy cũng thể hiện trong việc thấu hiểu nhau khi bất đồng ý kiến, tha thứ khi lỗi phạm, nâng đỡ khi bệnh tật, ủi an khi buồn đau. Nhưng chỉ như thế, với những nỗ lực, ta mới xây dựng được điều gì đó tốt đẹp trong cuộc sống; chỉ có như vậy, giữa con người mới nảy sinh và lớn lên những tương quan đích thực và bền vững; và từ đời thường, từ những điều nhỏ bé, Nước Thiên Chúa sẽ lớn lên, lan tỏa và hiện diện giữa chúng ta (x. Lc 7,18-22).
Thánh Augustino, trong một bài giảng về câu chuyện Matta và Maria, đã nói: “Hai người phụ nữ này biểu tượng cho hai lối sống: một là cuộc sống hiện tại đầy vất vả; một là cuộc sống mai sau trong yên nghỉ; một là cuộc sống nhọc nhằn, một là hạnh phúc; một là tạm thời, một là vĩnh cửu” (Bài giảng 104, 4). Và khi suy tư về công việc của Matta, ngài viết: “Có ai được miễn trừ khỏi việc chăm sóc người khác? Ai có thể thở phào khỏi những bổn phận ấy? Vậy hãy cố gắng chu toàn chúng một cách ngay chính và với lòng bác ái […]. Gian khổ sẽ qua đi và nghỉ ngơi sẽ đến; nhưng chỉ đến được bến nghỉ bằng cách vượt qua vất vả. Con thuyền sẽ rời bến và đến quê hương; nhưng không thể tới được quê hương nếu không đi trên con thuyền ấy” (ibid., 6-7).
Ápraham, Matta và Maria hôm nay nhắc chúng ta nhớ rằng: lắng nghe và phục vụ là hai thái độ bổ trợ cho nhau, giúp ta mở lòng ra đón nhận sự hiện diện chúc lành của Thiên Chúa trong cuộc sống. Gương sáng của các ngài mời gọi chúng ta kết hợp chiêm niệm và hành động, nghỉ ngơi và nỗ lực, thinh lặng và lao tác, với sự khôn ngoan và quân bình – luôn lấy đức ái của Đức Kitô làm tiêu chuẩn, lấy Lời Người làm ánh sáng, và lấy ân sủng Người làm nguồn sức mạnh nâng đỡ chúng ta vượt trên cả giới hạn của bản thân (x. Pl 4,13).
Vào cuối Thánh Lễ tại Nhà thờ Chính tòa Albano, trước khi ban phép lành, Đức Thánh Cha đã tặng cho Đức Cha Vincenzo Viva, Giám mục Giáo phận Albano một áo lễ. Ngài nói:“Xin tặng Đức Cha món quà này như một biểu hiện cho sự gần gũi của chúng tôi với Giáo phận của ngài, cùng với lời cầu xin Thiên Chúa luôn chúc lành cho cộng đoàn nơi đây. Xin cám ơn Đức Cha vì sứ vụ mục tử, và cám ơn toàn thể Dân Chúa của Đức Cha”.
Nguồn: vaticannews.va/vi