WGPQN (28/12/2024) – Đối với tôi, phân biệt giữa Thánh lễ Chúa Nhật, Thánh lễ chiều Thứ Bảy và Thánh lễ Vọng thật là thách đố. Trước hết, dù cho hàng ngàn người Công giáo có thể nghĩ, và các bản tin giáo xứ thông báo, Thánh lễ Vọng không phải là Thánh lễ được cử hành vào chiều Thứ Bảy – hoặc có thể gọi là Thánh lễ chiều hôm trước (anticipated Mass).

Ở nhiều giáo xứ, thuật ngữ Thánh lễ chiều hôm trước ​​và Thánh lễ vọng được sử dụng thay thế cho nhau, như nhau, nhưng trên thực tế chúng khác nhau. Thánh lễ vọng (vigil Mass) là Thánh lễ được cử hành trước một số lễ trọng nhất định: Lễ Phục sinh, Giáng sinh, Hiện xuống, Thăng thiên, Đức Mẹ Lên Trời, Thánh Phêrô và Phaolô, Hiển linh và Sinh nhật Thánh Gioan Tẩy giả. Các Thánh lễ vọng này, bắt đầu sau 4 giờ chiều, có các bài đọc và lời nguyện dành riêng, khác với các bài đọc và lời nguyện được sử dụng trong lễ trọng chính ngày. Các lễ trọng khác, chẳng hạn như lễ Các Thánh, có thể có Thánh lễ chiều hôm trước, nhưng các bài đọc giống như các bài đọc được sử dụng trong chính lễ trọng đó; vì thế, Thánh lễ như vậy là Thánh lễ chiều hôm trước. Một số lễ trọng là lễ buộc và điều thú vị là mọi lễ buộc đều là lễ trọng nhưng không phải mọi lễ trọng đều là lễ buộc. Các giáo xứ khắp nơi đều cử hành thêm nhiều Thánh lễ để cử hành ngày lễ buộc, gồm cả lễ chiều hôm trước.

Thông thường, Thánh lễ chiều thứ Bảy là Thánh lễ chiều hôm trước và là một phần của ngày Chúa Nhật sử dụng các nghi lễ của phụng vụ Chúa Nhật, trong khi Thánh lễ vọng vào chiều hôm trước lễ trọng có lời nguyện và bài đọc riêng.

Lễ Vọng

“Trong lịch phụng vụ, chúng ta bắt gặp một số ngày được gọi là lễ Vọng. Những ngày này diễn ra vào chiều hôm trước ngày lễ lớn của Giáo Hội. Vọng có nghĩa là canh thức. Vào thời kỳ đầu của Giáo Hội, các Kitô hữu thường tập trung tại các nhà thờ vào những ngày (vọng) đó và dành trọn ngày để ăn chay, cầu nguyện và hát thánh vịnh để chuẩn bị phù hợp cho các ngày lễ trọng. Vào khoảng ba giờ chiều, họ về nhà để chia sẻ bữa ăn duy nhất trong ngày, trong đó không có thịt và các món ngon. Họ sẽ trở lại nhà thờ vào lúc hoàng hôn để canh thức suốt đêm, cầu nguyện, hát thánh ca và các thực hành thích hợp khác, để chuẩn bị cử hành lễ trọng” (trích từ “A Pulpit Commentary on Catholic Teaching,” Tập IV, Pulpit Preachers of Our Own Day, Joseph F Wagner, New York, khoảng năm 1910).

Tất nhiên, có nhiều loại lễ vọng (canh thức) khác nhau  – tôn giáo và không tôn giáo – được cử hành không chỉ vào chiều tối mà còn vào những thời điểm khác trong ngày. Trong số những canh thức nổi danh nhất xảy ra sau khi Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Chúng ta nhớ lại những người Pharisiêu, lo sợ Đức Kitô sẽ sống lại sau ba ngày, đã xin Philatô cử lính gác và canh thức trong ba ngày nơi mộ của Ngài (x. Mt 27, 62-64). Một lễ canh thức quen thuộc khác được mô tả trong Lc 2, 8-9, trong đó những người chăn chiên canh thức suốt đêm (một lễ vọng) khi các thiên thần xuất hiện để báo tin Đức Kitô ra đời.

Các Kitô hữu sơ thời thường canh thức cả ngày và đêm trước một số lễ trọng nào đó. Họ cầu nguyện, ăn chay, đọc hoặc hát thánh vịnh. Điều này đã trở thành một phần của truyền thống Giáo Hội dẫn đến các lễ vọng trước những ngày lễ trọng mà chúng ta vẫn cử hành ngày nay. Cho đến năm 1966, ăn chay là một phần của ngày lễ vọng trước những ngày lễ như Lễ Hiện xuống, Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, Giáng sinh và Lễ Các Thánh. Trong triều đại Giáo hoàng Phaolô VI (1963-1978), những ngày ăn chay đã thay đổi ra như hiện nay.

Như đã lưu ý, các buổi canh thức không chỉ giới hạn vào ban đêm. Ví dụ, trong một thời gian dài, Lễ canh thức Phục Sinh được tổ chức vào ban ngày; trước hết là vào chiều thứ Bảy và sau đó là sáng thứ Bảy. Mãi đến thế kỷ XX, lễ này mới được chuyển vào lúc trời tối như chúng ta biết ngày nay.

Chúa Nhật

“Thiên Chúa ban phúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hoá ngày đó, vì ngày đó Người đã nghỉ, ngưng làm mọi công việc sáng tạo của Người” (Stk 2, 3). Để hiểu về lễ vọng và các Thánh lễ chiều hôm trước, cần phải xét đến bổn phận phải tham dự Thánh lễ Chúa Nhật và các ngày lễ buộc của người Công giáo – và một cuộc tranh luận lớn hơn xoay quanh lý do tại sao ngày Chúa Nhật lại quan trọng.

Ngay từ thế kỷ II, các Kitô hữu đã kỷ niệm ngày Chúa Nhật như Ngày của Chúa thay vì ngày Sabát vào thứ Bảy. Họ coi ngày Chúa Nhật là ngày đầu tiên của tuần, thay vì là ngày cuối tuần. Do đó, các Kitô hữu đã kỷ niệm ngày phục sinh của Đức Kitô – tức ngày Chúa Nhật.

Thánh Ignatiô, sống vào thế kỷ II, đã viết rằng các Kitô hữu “từ bỏ việc giữ ngày Sabát và bắt đầu sống cử hành Chúa Nhật”. Cùng thế kỷ đó, Thánh Justinô Tử đạo đã nói về các Kitô hữu tụ họp: “Vào ngày được gọi là Chúa Nhật, tất cả những người sống tại thành phố hoặc nông thôn tụ họp tại một nơi, và người ta đọc ghi chép của các tông đồ hoặc các tác phẩm ngôn sứ” (“First Apology”, số 67). Thậm chí trước đó, các tông đồ đã giữ ngày Chúa Nhật là ngày thánh của họ. Thánh Luca mô tả trong Công vụ Tông đồ 20, 7 về cách họ bẻ bánh vào ngày đầu tuần. Sách Giáo lý Baltimore nói: “Chúa chúng ta đã ban cho các tông đồ quyền năng thay đổi Ngày của Chúa từ Thứ Bảy sang Chúa Nhật. Các tông đồ đã làm như vậy vì vào Chúa Nhật, Chúa chúng ta đã sống lại từ cõi chết. Và chính vào Chúa Nhật, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên các tông đồ”.

Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI (trị vì 2005-2013) đã viết về Chúa Nhật như là “ngày thánh nguyên thủy, khi tất cả các tín hữu, bất kể ở đâu, đều có thể trở thành người loan báo và bảo vệ ý nghĩa thực sự của thời gian. … Vào Ngày của Chúa, thật thích hợp khi các nhóm trong Giáo hội tổ chức các hoạt động của cộng đồng Kitô giáo quanh Thánh lễ Chúa Nhật; các cuộc tụ họp xã hội, các chương trình đào tạo đức tin cho trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn, các cuộc hành hương, các công việc từ thiện và những khoảnh khắc cầu nguyện khác nhau. Vì lợi ích của những giá trị quan trọng này – trong khi thừa nhận rằng tối thứ Bảy bắt đầu bằng giờ kinh chiều I đã là một phần của Chúa Nhật và là thời điểm mà bổn phận chu toàn ngày Chúa Nhật có thể được thực hiện – chúng ta cần nhớ rằng chính ngày Chúa Nhật đáng được thánh hoá, để ngày này không kết thúc như một ngày “vắng bóng Thiên Chúa” (“Heart of Christian Life”, Ignatius Press).

Thánh lễ chiều

Trong nhiều thế kỷ, không có Thánh lễ Chúa Nhật nào được cử hành sớm hơn một giờ trước khi mặt trời mọc hoặc sau buổi trưa, được quy định trong bộ Giáo Luật năm 1917. Thánh lễ chiều thứ Bảy không nằm trong dự định của bất kỳ bộ luật nào. Nhưng những nhu cầu của Thế chiến II, đặc biệt là đối với những người ở vùng chiến sự và những công nhân làm việc trong ngành nghề hỗ trợ chiến tranh đã khiến Vatican cho phép cử hành Thánh lễ vào chiều Chúa Nhật. Do đó, Thánh lễ chiều đầu tiên được cử hành vào Chúa Nhật chứ không phải chiều thứ Bảy. Sau chiến tranh, Thánh lễ chiều thứ Bảy dần phát triển và ngày càng trở nên phổ biến khi các giám mục địa phương kiến ​​nghị Tòa thánh chấp thuận những buổi lễ (chiều) như vậy; những thay đổi về văn hóa, luật xanh (Blue Laws – luật cấm buôn bán ngày Chúa Nhật) từ lâu đã cấm thương mại vào Chúa Nhật đã được bãi bỏ và các doanh nghiệp mở cửa vào Chúa Nhật dẫn đến nhiều người làm việc vào ngày này hơn. Tất cả những yếu tố này đã góp phần khiến Vatican cho phép tổ chức Thánh lễ chiều thứ Bảy để chu toàn bổn phận Thánh lễ Chúa Nhật; ban đầu, sự cho phép này được coi là có lợi cho những người làm những công việc thiết yếu như nghề y, lính cứu hỏa, thi hành luật pháp, thậm chí là ngành dịch vụ khách sạn. Việc Thánh lễ chiều thứ Bảy trở nên phổ biến và có sự tham dự của những người có thể dự Thánh lễ Chúa Nhật nhưng đơn giản là họ chọn không tham dự (vào ngày Chúa Nhật). Năm 1983, bộ Giáo Luật đã được sửa đổi như sau: “Người nào tham dự Thánh Lễ được cử hành theo nghi thức Công Giáo trong chính ngày lễ hoặc chiều ngày áp lễ ở bất cứ nơi nào, thì đã giữ trọn luật buộc phải tham dự Thánh Lễ” (Điều 1248 §1).

Vì thế, ngày Chúa Nhật, hay ngày lễ buộc, bắt đầu khi nào? Những Quy Luật Tổng Quát về Năm Phụng Vụ và Niên Lịch giải thích, “Ngày phụng vụ kéo dài từ nửa đêm cho đến nửa đêm. Nhưng việc cử hành ngày Chúa nhật và các ngày lễ trọng bắt đầu từ chiều ngày hôm trước” (Số 3). Những quy luật tiếp tục, “Lễ trọng là những ngày đặc biệt, được cử hành từ Kinh Chiều I ngày hôm trước. Có vài lễ trọng có lễ vọng riêng cử hành chiều ngày hôm trước, nếu cử hành thánh lễ ban chiều” (Số 11). Do đó, Thánh lễ được cử hành vào chiều thứ Bảy được coi là một phần của cử hành Chúa Nhật – nghĩa là Thánh lễ Chúa Nhật.

Mặc dù Giáo hội chưa bao giờ định nghĩa “buổi chiều” là như thế nào, nhưng trong tông hiến Christus Dominus năm 1953 của Đức Giáo hoàng Piô XII (trị vì 1939-58) ban hành, đã nói về cơ sở lý luận cho các Thánh lễ được cử hành sau buổi trưa và thời điểm Thánh lễ buổi chiều có thể bắt đầu: “Nếu hoàn cảnh đòi hỏi cần thiết, chúng tôi trao cho các đấng bản quyền địa phương quyền cho phép cử hành Thánh lễ vào buổi chiều… nhưng với sự khôn ngoan thì Thánh lễ không bắt đầu trước bốn giờ chiều” (Quy tắc VI). Văn kiện này được viết 34 năm trước bộ giáo luật hiện hành và trước khi Thánh lễ chiều thứ Bảy trở nên phổ biến, tuy nhiên ngày nay tài liệu này thường được coi là nguồn xác định thời điểm sớm nhất để có thể bắt đầu Thánh lễ.

Việc tham dự Thánh lễ chiều thứ Bảy phù hợp với giáo luật và nguyên tắc của Giáo hội là buộc tham dự Thánh lễ Chúa Nhật. Tuy nhiên, vẫn còn trách nhiệm của mọi Kitô hữu là giữ cho ngày Chúa Nhật được thánh thiêng, một trách nhiệm không bao giờ bị bãi bỏ. Hàng giáo sĩ tận dụng cơ hội thường xuyên nhắc nhở các tín hữu về tầm quan trọng của ngày Chúa Nhật. Đó là ngày dành riêng cho Chúa – không như bao ngày khác. “Vì thế, Chúa Nhật là ngày lễ rất đặc biệt phải được đề cao và in sâu vào lòng đạo đức của các tín hữu đến độ cũng trở thành ngày dành cho niềm vui và sự nghỉ ngơi” (Sacrosanctum Concilium, số 106).

Chuyển ngữ: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính

Chuyển ngữ từ: thepriest.com (15/09/2024)

Nguồn: gpquinhon.net