Sáng Chúa nhật ngày 28.04.2024, trong khuôn khổ chuyến viếng thăm Venice, miền đông bắc nước Ý, vào lúc 9:35, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ giới trẻ Venice và các giáo phận vùng Veneto tại quảng trường trước Vương cung thánh đường Santa Maria della Salute. Sau khi đi xe điện giữa khoảng 1500 bạn trẻ hiện diện, và lắng nghe những lời chào mừng của một số bạn trẻ, Đức Thánh Cha đã dành cho các bạn trẻ những lời huấn dụ. Dưới đây là toàn văn Việt ngữ diễn từ của Đức Thánh Cha dành cho giới trẻ tại Venice:
CHUYẾN VIẾNG THĂM VENICE CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ
DIỄN TỪ ĐỨC THÁNH CHA DÀNH CHO GIỚI TRẺ
Quảng trường trước Vương cung thánh đường Santa Maria della Salute
Chúa Nhật thứ V Phục Sinh, ngày 28 tháng 04 năm 2024
Anh chị em thân mến, chào buổi sáng anh chị em! Ngay cả mặt trời cũng đang mỉm cười!
Thật tuyệt vời khi được gặp gỡ các bạn! Việc ở bên nhau cho phép chúng ta chia sẻ sự kỳ diệu mà chúng ta là, ngay cả khi chỉ qua một lời cầu nguyện, một ánh nhìn và một nụ cười. Thật vậy, tất cả chúng ta đều đã nhận được một hồng ân lớn lao, đó là trở thành con cái yêu dấu của Thiên Chúa, và chúng ta được mời gọi thực hiện giấc mơ của Chúa: trở thành chứng nhân và sống niềm vui của Người. Chẳng có gì tuyệt vời hơn! Không biết các bạn đã có trải nghiệm nào đẹp đến mức không thể giữ cho riêng mình mà cảm thấy cần phải chia sẻ trải nghiệm ấy hay chưa? Tất cả chúng ta đều có trải nghiệm này, một trải nghiệm tuyệt vời đến độ người ta thấy cần phải chia sẻ nó. Đây là lý do tại sao hôm nay chúng ta hiện diện tại đây: Tái khám phá vẻ đẹp của chính chúng ta trong Chúa và hân hoan nhân danh Chúa Giêsu, vị Thiên Chúa trẻ trung, Đấng yêu thương người trẻ và luôn gây ngạc nhiên. Thiên Chúa của chúng ta luôn làm chúng ta ngạc nhiên. Các bạn có hiểu điều này không? Điều tối quan trọng là phải chuẩn bị cho những điều ngạc nhiên tuyệt vời của Thiên Chúa!
Các bạn thân mến, ngay tại thành phố Venice xinh đẹp này, chúng ta cùng nhau sống khoảnh khắc tuyệt vời của cuộc gặp gỡ. Đêm nay, khi mọi người về lại nhà, rồi ngày mai và những ngày kế tiếp, liệu mỗi chúng ta bắt đầu từ đâu để chào đón và ấp ủ vẻ đẹp của mình? Liệu chúng ta bắt đầu nắm bắt vẻ đẹp này từ đâu? Để bắt đầu lại, cha đề nghị hai động từ, vốn là hai động từ vừa có tính thực tế vừa có tính mẫu tử: hai động từ biểu thị sự chuyển động làm sinh động con tim tươi trẻ của Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, và Mẹ chúng ta. Để lan tỏa niềm vui của Chúa và giúp đỡ những người gặp khó khăn, Mẹ “trỗi dậy và lên đường” (Lc 1,39). Hãy trỗi dậy và lên đường. Đừng quên hai động từ này mà Đức Trinh Nữ đã trải nghiệm trước chúng ta.
Trước hết, trỗi dậy. Hãy trỗi dậy khỏi mặt đất, vì chúng ta được tạo dựng cho Trời cao. Hãy trỗi dậy khỏi nỗi buồn để ngước nhìn lên cao. Trỗi dậy để đối diện với cuộc sống chứ không phải ngồi trên ghế. Các bạn có từng nghĩ, có từng tưởng tượng xem một người trẻ sẽ như thế nào khi ngồi lì trên ghế sofa suốt cuộc đời mình chưa? Các bạn đã hình dung ra điều này chưa? Hãy tưởng tượng điều này; và có những “chiếc sofa ” khác nhau bám chặt lấy chúng ta và không cho chúng ta đứng dậy. Hãy trỗi dậy để thưa “Này con đây!” với Chúa, Đấng tin tưởng chúng ta. Hãy đứng dậy để đón nhận món quà mà chúng ta là, để nhận ra, trước bất cứ điều gì khác, rằng chúng ta quý giá và không thể thay thế. Các bạn có thể nói: “Nhưng thưa cha, thưa Giáo hoàng, không, không điều đó không đúng đâu, vì con xấu, con xấu xí lắm…”. Không, không, không ai xấu xí cả, mỗi chúng ta đều xinh đẹp và đều có một kho báu bên trong mình, một kho báu tuyệt đẹp để chia sẻ và trao tặng cho người khác. Các bạn có đồng ý về điều này không? Và, các bạn hãy nghe kỹ, đây không phải là tự kỷ ám thị mà là sự thật! Việc nhận thức này là bước đầu tiên chúng ta cần thực hiện vào buổi sáng khi thức dậy: ra khỏi giường và đón nhận bản thân như một món quà. Bạn thức dậy và trước khi bắt tay vào làm những việc cần làm, hãy nhận ra mình là ai bằng việc tạ ơn Chúa. Các bạn có thể thưa với Chúa rằng: “Chúa ơi, con cảm ơn Chúa vì sự sống. Lạy Chúa, xin cho con biết yêu cuộc đời của con“. Hãy nhận biết bạn là ai và tạ ơn Chúa. Bạn có thể thân thưa: “Lạy Chúa, con cảm ơn Chúa vì sự sống. Xin cho con biết yêu cuộc sống, yêu cuộc đời của con. Lạy Chúa, Chúa là sự sống của con, xin giúp con hôm nay vì điều này, vì điều kia… Chúa biết đấy, lạy Chúa, con đang yêu, con đang yêu, xin giúp con, xin giúp con làm cho tình yêu này triển nở và kết thúc thành một cặp đôi hạnh phúc”. Người ta có thể dâng lên Chúa biết bao điều tốt đẹp. Sau đó, hãy đọc Kinh Lạy Cha, trong đó lời đầu tiên là chìa khóa dẫn đến niềm vui. Chúng ta đọc “Lạy Cha” và nhận ra mình là người con được yêu thương. Hãy nhớ rằng đối với Thiên Chúa, bạn không phải là một hồ sơ kỹ thuật số, mà là một người con, rằng bạn có một người Cha ở trên trời, và do đó, bạn là người con của trời cao. Các bạn có thể nói: “Nhưng thưa Cha, điều này lãng mạn quá!” Không, đó là thực tế, các bạn thân mến, nhưng chúng ta phải khám phá thực tế này trong cuộc sống, trong cuộc sống của chúng ta chứ không phải trong sách vở.
Tuy nhiên, chúng ta thường thấy mình đang phải chiến đấu chống lại một lực hấp dẫn tiêu cực kéo chúng ta xuống, một lực quán tính áp đặt muốn chúng ta nhìn mọi thứ đều xám xịt. Khi điều này xảy ra thì chúng ta phải làm gì? Hãy trỗi dậy! Nhưng để trỗi dậy, chúng ta đừng quên rằng, trước hết chúng ta phải để cho mình được nâng lên. Chúng ta hãy để cho Chúa nắm lấy tay chúng ta, vì Ngài là Đấng không bao giờ làm những ai tin cậy nơi Ngài phải thất vọng, mà luôn nâng đỡ và tha thứ. Dù thế, bạn có thể nói: “Nhưng con không xứng đáng: con thấy mình mỏng giòn, yếu đuối, tội lỗi, con thường hay sa ngã!” Ngay cả khi bạn cảm thấy như vậy, xin hãy thay đổi “tư duy”: đừng nhìn mình bằng đôi mắt của mình, mà hãy nghĩ đến ánh mắt Thiên Chúa nhìn bạn ra sao. Khi bạn mắc sai lầm và vấp ngã, Thiên Chúa sẽ làm gì? Ngài đứng đó, ngay bên cạnh bạn, mỉm cười với bạn, sẵn sàng nắm lấy tay bạn, và nâng bạn dậy. Đây là một điều thật tuyệt vời: Thiên Chúa luôn ở bên để nâng bạn lên.
Cha sẽ kể cho các bạn nghe một điều mà điều này đã gợi ý cho cha. Có tử tế không khi nhìn xuống ai đó từ trên cao? Điều này tốt hay không tốt? Không, nó không tốt. Nhưng khi nào thì người ta có thể nhìn xuống một người từ trên cao? Đó là khi giúp người ấy đứng dậy. Chúng ta chỉ có thể nhìn xuống một người từ trên cao mà tốt đẹp là khi chúng ta giúp họ đứng dậy. Và đây cũng là điều Chúa Giêsu làm với chúng ta, khi chúng ta sa ngã. Người nhìn xuống chúng ta từ trên cao. Điều này thật đẹp. Bạn có tin điều này không? Hãy mở Phúc âm ra và xem những gì Chúa Giêsu đã làm với Phêrô, với Maria Mađalêna, với Giakêu, và với rất nhiều người khác: Người đã thực hiện những điều kỳ diệu với sự yếu đuối của họ. Chúa làm nên những điều kỳ diệu trước sự mỏng giòn của chúng ta.
Và, nhân tiện cha hỏi các bạn: các bạn có đọc Phúc âm không? Cha sẽ cho các bạn một lời khuyên. Các bạn có cuốn Phúc Âm bỏ túi không? Hãy luôn mang theo cuốn Phúc Âm nhỏ bên mình và bất cứ lúc nào có thể, hãy mở ra và đọc một đoạn Phúc âm ngắn. Hãy luôn mang theo cuốn Phúc Âm nhỏ bên mình. Các bạn có đồng ý với Cha không? [Các bạn trẻ trả lời: “Dạ có!”]. Hãy cố lên!
Thiên Chúa biết rằng, bên cạnh sự xinh đẹp thì chúng ta cũng rất mỏng giòn, và hai điều này đi đôi với nhau. Có vẻ hơi giống Venice, vừa lộng lẫy vừa tinh tế. Venice xinh đẹp và có những điểm tinh tế cần được chăm sóc. Thiên Chúa không trách cứ chúng ta về những lỗi lầm của chúng ta: “Con đã làm điều này, con đã làm điều kia…”. Ngài không nắm giữ những điều ấy để chống lại chúng ta, nhưng Ngài dang rộng bàn tay. Các bạn có thể nói: “Nhưng thưa Cha, con có rất nhiều điều khiến con xấu hổ”. Đừng nhìn vào chính mình mà hãy nhìn vào bàn tay Chúa đang đưa ra để nâng bạn lên! Đừng quên điều này: nếu bạn cảm thấy lương tâm mình nặng trĩu, hãy nhìn lên Chúa và để Ngài nắm lấy tay bạn. Khi chúng ta sa ngã, Ngài thấy chúng ta là người con để nâng đỡ chứ không phải là kẻ gian ác để trừng phạt. Xin hãy tin cậy vào Chúa! Chuyện này hơi dài rồi, các bạn có thấy chán không? [Các bạn trẻ trả lời: “Dạ không!”]. Các bạn nhã nhặn quá, thật tuyệt vời!
Một khi đã trỗi dậy, thì việc tiếp theo là đứng vững. Trước hết, chúng ta đứng dậy, sau đó chúng ta đứng vững, “giữ nguyên tư thế” khi chúng ta cảm thấy muốn ngồi xuống, muốn buông xuôi, hoặc muốn bỏ cuộc. Điều này không hề dễ dàng, nhưng đó là bí quyết. Thật vậy, bí quyết để đạt được những thành tựu to lớn là sự kiên định. Đúng là đôi khi sự mỏng giòn kéo bạn xuống, nhưng sự kiên định chính là yếu tố đưa bạn tiến về phía trước, và đây là bí quyết. Ngày nay chúng ta sống với những cảm xúc chóng vánh, những cảm giác nhất thời, và những bản năng chỉ kéo dài trong chốc lát. Nhưng những điều này không giúp chúng ta tiến xa được. Các nhà vô địch thể thao, cũng như các nghệ sĩ và các nhà khoa học đều cho thấy rằng những mục tiêu lớn không thể đạt được ngay lập tức hoặc cùng một lúc. Và nếu điều này đúng với thể thao, nghệ thuật và văn hóa thì nó còn đúng hơn nữa với những gì quan trọng nhất trong cuộc sống. Điều quan trọng nhất trong cuộc sống là gì? Đó là đức tin và tình yêu. Để lớn lên trong đức tin và tình yêu cần có sự kiên định và luôn tiến về phía trước. Mặt khác, nguy cơ ở đây là để mọi việc tùy hứng: Tôi cầu nguyện nếu tôi cảm thấy thích; tôi đi lễ khi tôi thấy hứng thú; tôi làm việc tốt nếu tôi cảm thấy ưng ý. Điều này không mang lại kết quả: chúng ta cần phải kiên trì, ngày này qua ngày khác. Chúng ta phải làm điều đó cùng nhau, bởi vì sự cùng nhau luôn giúp chúng ta tiến về phía trước. Hãy cùng nhau vì “làm một mình” thì không có hiệu quả trong những việc lớn. Đây là lý do tại sao cha nói với các bạn: đừng tự cô lập mình mà hãy tìm kiếm người khác, cùng nhau trải nghiệm về Thiên Chúa, hãy tìm một nhóm để cùng nhau bước đi, nhờ đó, bạn sẽ không cảm thấy chán nản. Các bạn có thể nói, “Nhưng xung quanh con, mọi người đều ở một mình với điện thoại di động, dán mắt vào mạng xã hội, và trò chơi điện tử”. Tuy nhiên, các bạn phải can đảm lội ngược dòng: chấp nhận nguy hiểm, sẵn sàng dấn thân; tắt Tivi và mở Phúc âm – điều này có quá nhiều không? Hãy đặt điện thoại xuống và gặp gỡ mọi người! Điện thoại rất hữu ích để liên lạc nhưng hãy cẩn thận khi nó ngăn cản bạn gặp gỡ người khác. Sử dụng điện thoại, điều đó không sao cả, nhưng đừng quên gặp gỡ người khác. Các bạn biết một cái ôm, một nụ hôn, một cái bắt tay là gì: đó là con người. Đừng quên điều này: Sử dụng điện thoại nhưng hãy gặp gỡ mọi người.
Có vẻ như cha nghe thấy sự phản đối của các bạn: “Không dễ đâu thưa cha; giống như đang bơi ngược dòng vậy!”. Nhưng các bạn không thể nói điều này ở Venice, bởi vì chính Venice đã nói với chúng ta rằng chỉ khi chèo thuyền với sự kiên định, chúng ta mới có thể tiến xa. Nếu các bạn là công dân Venice, hãy học cách chèo thuyền một cách kiên trì để có thể tiến xa! Tất nhiên, chèo thuyền đòi hỏi sự đều đặn, nhưng sự kiên trì sẽ được đền đáp, ngay cả khi phải tốn công sức. Vì vậy, hỡi các bạn trẻ nam nữ thân mến, đây chính là ý nghĩa của việc trỗi dậy: để cho Thiên Chúa nắm tay các bạn và cùng nhau bước đi!
Và sau khi trỗi dậy, hãy lên đường. Lên đường có nghĩa là biến mình thành một món quà, trao ban chính mình cho người khác, và có khả năng yêu thương; Đây là một điều tuyệt vời: một thiếu nữ, một thanh niên mà không cảm thấy mình có khả năng yêu hoặc có tình cảm với người khác thì họ đang thiếu một điều gì đó. Hãy hướng về phía người khác, bước đi, và tiến về phía trước.
Anh chị em thân mến, đã đến lúc cha kết thúc rồi, các bạn đừng lo!
Hãy nghĩ đến Cha của chúng ta, Đấng đã tạo dựng mọi sự cho chúng ta, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta mọi thứ: vậy thì, là con cái của Ngài, chúng ta sẽ tạo ra điều đẹp đẽ cho ai? Việc sống đắm chìm trong những sản phẩm do con người tạo ra khiến chúng ta mất đi sự ngạc nhiên trước vẻ đẹp xung quanh mình. Dù thế, thụ tạo mời gọi chúng ta trở thành người sáng tạo ra vẻ đẹp. Xin đừng quên điều này: hãy trở thành những người sáng tạo ra vẻ đẹp, và làm ra những gì mà trước đây chưa từng có. Điều này thật đẹp! Và khi bạn kết hôn và có con cái, bạn sẽ làm được việc mà trước đây chưa từng làm! Và đây là vẻ đẹp của tuổi trẻ, khi nó trở thành tình phụ tử hoặc tình mẫu tử: tạo ra điều gì đó chưa từng tồn tại trước đây. Điều này thật đẹp. Hãy nghĩ về những đứa con mà các bạn sẽ có, và điều này thúc đẩy chúng ta tiến về phía trước. Đừng trở thành những chuyên gia đánh máy miễn cưỡng mà là những người sáng tạo những điều mới mẻ! Một lời cầu nguyện xuất phát từ con tim, một trang bạn tự viết, hiện thực hoá một giấc mơ, một cử chỉ yêu thương dành cho người không thể đền đáp. Đây là sáng tạo, là bắt chước phong cách của Thiên Chúa, Đấng sáng tạo. Chính phong cách vô vị lợi này đưa chúng ta ra khỏi logic hư vô của “tôi làm để tận hưởng” và “tôi làm việc để kiếm tiền”. Điều này phải được thực hiện – làm việc để tận hưởng, để kiếm sống – nhưng nó không được là trung tâm của cuộc đời bạn. Trung tâm là tính nhưng không: mang lại sức sống cho bản giao hưởng của sự vô vị lợi trong một thế giới luôn tìm kiếm lợi nhuận! Được như thế, các bạn sẽ trở thành những nhà cách mạng. Hãy lên đường, hãy trao ban chính mình mà không sợ hãi!
Bạn trẻ nào muốn làm chủ cuộc đời mình, hãy trỗi dậy! Hãy mở lòng ra với Thiên Chúa, tạ ơn Ngài, và đón nhận vẻ đẹp vốn có của bạn; hãy yêu cuộc sống của bạn, và hãy lên đường! Hãy trỗi dậy, hãy yêu, và hãy bước đi! Hãy bước ra và bước đi cùng với người khác; hãy tìm kiếm những người cô đơn, tô điểm thế giới bằng sự sáng tạo của các bạn, và vẽ những con đường cuộc sống bằng Phúc âm. Xin hãy vẽ những con đường cuộc sống bằng Phúc âm! Hãy trỗi dậy và lên đường. Chúng ta hãy cùng nói những điều này cho nhau nào! [Các bạn trẻ lặp lại: “Trỗi dậy và lên đường!”]. Cha chưa nghe thấy các bạn nói… [Các bạn trẻ lặp lại lớn tiếng: “Trỗi dậy và lên đường!”]. Thật tuyệt vời! Chúa Giêsu cũng ngỏ lời mời này đến với các bạn. Với những người được giúp đỡ và chữa lành, Ngài đã phán: “Hãy đứng dậy và lên đường” (x. Lc 17,19). Hãy lắng nghe, hãy lặp lại, và hãy giữ lời mời gọi này của Chúa Giêsu trong tâm hồn các bạn. Hãy trỗi dậy và lên đường! Và lời mời gọi đó là gì? [“Hãy đứng dậy và lên đường!”]. Xin cảm ơn!
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (28. 04. 2024)