Đức Hồng Y You: Đức Thánh Cha tại Châu Á, sự hòa mình vào các Giáo hội “bên ngoài trung tâm”

Đối với ĐHY Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ, chuyến tông du lần thứ 45 của Đức Phanxicô sẽ đưa ngài đến “những vùng đất giàu tâm linh, nơi có trọng tâm là đối thoại với các tôn giáo”. ĐHY nhấn mạnh: “Việc rao giảng Tin Mừng ở đó xác nhận niềm vui đức tin đặc trưng của các dân tộc châu Á”.

Chỉ mười năm trước, ngài đã chào đón Đức Phanxicô, vị khách mời rất được mong đợi của Đại hội Giới trẻ Thế giới Châu Á. Mười năm sau, Đức Hồng y Lazzaro You Heung-sik điều hành Bộ Giáo sĩ, nhưng trái tim người Hàn Quốc của ngài đập nhanh hơn khi nghĩ đến việc Đức Giáo hoàng lại bay đến châu Á. Một lục địa rộng lớn như các nền văn hóa và niềm tin tôn giáo của nó, trong đó việc bén rễ đức tin là một thách thức tiến triển thông qua hội nhập văn hóa. Ngài nói với truyền thông Vatican rằng phần này của thế giới “được phát triển thông qua các ngôn ngữ mới và các mô hình mục vụ mới”.

Vatican News : ĐHY nghĩ chúng ta có thể tóm tắt ý nghĩa của chuyến tông du này như thế nào?

ĐHY You : Tôi tin rằng chuyến tông du Châu Á của Đức Thánh Cha xác nhận niềm say mê của ngài đối với vùng Viễn Đông, điều mà ngài đã bày tỏ nhiều lần khi nói về những năm đầu đời linh mục của ngài và ước muốn trở thành nhà truyền giáo ở những nước này. Tổng quát hơn, chuyến tông du này một lần nữa minh chứng cho sự chú ý đến “các vùng ngoại vi”, mà Đức Thánh Cha Phanxicô thường khuyến khích, gần giống như một chiếc la bàn để dẫn đường cho toàn thể Giáo hội. Đó là một cái nhìn không khép kín nơi chính mình, không giảm thiểu vẻ đẹp và trí tưởng tượng của Kitô giáo chỉ thành một cách cầu nguyện, cử hành hay hành động trong mục vụ, nhưng trái lại, vượt ra ngoài biên giới và lắng nghe điều gì đang xảy ra ngay cả ở những vùng đất và các Giáo hội dường như “bên ngoài trung tâm”, xa xôi, nhưng phong phú về đời sống và tâm linh. Đồng thời, một đặc điểm quan trọng của chuyến đi này liên quan đến chủ đề tình huynh đệ; Khi đến những nước này, Đức Thánh Cha sẽ có thể hòa mình vào một thế giới đa văn hóa, ở những vùng đất và thành phố nơi những con người, nền văn hóa và truyền thống tôn giáo cổ xưa và khác nhau hòa quyện và cùng tồn tại một cách hài hòa. Như thế, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ có thể củng cố dân Thiên Chúa mà ngài sẽ gặp gỡ và, đồng thời, nêu bật gương mẫu về tình huynh đệ và chia sẻ trong một thế giới vẫn còn bị xâu xé bởi xung đột, chiến tranh và bất hòa.

Nhà thờ chánh tòa Jakarta

Vatican News : Đâu là vai trò của Châu Á trong bối cảnh đức tin và phần còn lại của thế giới ngày nay?

ĐHY You : Châu Á là một lục địa rất đa dạng. Con đường đức tin Kitô giáo, vốn luôn bị “lây nhiễm” bởi rất nhiều nền linh đạo khác và được thể hiện trong một nền văn hóa đặc biệt như vậy, được phát triển thông qua các ngôn ngữ mới, các mô hình mục vụ mới và sự chú ý đặc biệt đến cuộc đối thoại giữa các tôn giáo, cũng được hiểu như là con đường thống nhất của nhân loại hướng về Thiên Chúa và tham gia vào kế hoạch cứu độ của Ngài. Theo nghĩa này, Châu Á cũng có thể giúp đức tin phương Tây được đổi mới, tái khám phá sức sống thông qua công cuộc tân Phúc Âm hóa và ý thức được sứ mạng mà chúng ta, những Kitô hữu, phải có đối với thế giới, xã hội và việc xây dựng một tương lai hòa bình.

Vatican News : Việc loan báo Tin Mừng ở khu vực này, ở những vùng đất này có ý nghĩa gì?

ĐHY You : Như chúng ta biết, một mặt, Tin Mừng được thể hiện trong văn hóa, biến nó thành mảnh đất nảy mầm của mình và do đó đón nhận nó với lòng tử tế; mặt khác, việc loan báo Tin Mừng luôn là một thách thức đối với văn hóa và muốn thanh lọc và đồng hành với nó trên con đường phát triển, vốn làm cho nó ngày càng phù hợp hơn với dự án của Thiên Chúa và do đó, nhân bản hơn. Theo nghĩa này, việc loan báo Tin Mừng tại Châu Á có nghĩa là xác nhận niềm vui đức tin vốn là nét đặc trưng của người dân Châu Á, được bén rễ từ hạt giống của nhiều nhà truyền giáo và chứng nhân của Tin Mừng, nhưng đồng thời, Kitô giáo được mời gọi đối mặt với một số thách thức văn hóa. Tôi đặc biệt nghĩ đến những người trẻ, những người đôi khi bị mê hoặc bởi các mô hình văn hóa và xã hội quá tục hóa và mang dấu ấn của não trạng khoái lạc và hưởng thụ, nhưng cũng nghĩ đến những vấn đề liên quan đến một số hiện tượng địa phương hơn như ma thuật, phù thủy, việc sử dụng bạo lực như một phương tiện tự vệ và, trong một số trường hợp, chế độ bộ lạc và thuyết vật linh. Không quên những vấn đề của người nghèo, của gia đình và việc bảo vệ sự sống. Nói chung, khía cạnh quan trọng nhất do đó chắc chắn là chứng tá Kitô giáo, như Thánh Anrê Kim, vị tử đạo đầu tiên của Hàn Quốc, và rất nhiều vị tử đạo châu Á khác, đã dạy: ở đâu có chứng tá cuộc sống, ở đó có việc loan báo Tin Mừng, bởi vì trước những lời nói và những công thức, trước hết chính cuộc sống của chúng ta phải biểu lộ niềm vui của Tin Mừng, để trở thành ánh sáng chiếu soi bóng tối của thế giới.

Chuyển ngữ: Tý Linh
Chuyển ngữ từ: vaticannews.va
Nguồn: xuanbichvietnam.net

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *