FIDUCIA SUPPLICANS và những điều đáng tiếc – Đức Cha Phêrô

Chúng ta đã có thể tránh được những phản ứng bất bình của các Hội đồng giám mục như ta đang chứng kiến hiện nay” (GM Jose Ignacio Munilla of Oribuela-Alicante).

Ngày 18/12/2023, Đức hồng y Victor Fernandez, Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin, ra Tuyên bố Fiducia supplicans (FS) về Ý nghĩa mục vụ của việc chúc lành. Hơn hai tuần sau, ngày 04/01/2024, ngài lại ra Thông cáo báo chí nhằm làm sáng tỏ nội dung FS. So sánh hai bản văn, có thể thấy nhiều điều đáng tiếc.

Đáng tiếc vì Fiducia supplicans là một tài liệu chưa đủ độ chín. Khi công bố tài liệu này, Đức hồng y Fernandez khẳng định: “những điều được nói trong Tuyên bố này về việc chúc lành cho các cặp đồng tính là đủ để hướng dẫn các linh mục trong việc phân định thận trọng và đầy tình phụ tử về vấn đề này, do đó không phải trông chờ câu trả lời nào khác về những cách thức có thể, nhằm điều chỉnh những chi tiết hay việc thực hành liên quan đến việc chúc lành này”.

Thế nhưng trong thực tế, ngay sau khi FS được công bố, đã có rất nhiều phản ứng trái chiều từ các Hội đồng giám mục cũng như các cá nhân Giám mục, như chính Đức hồng y Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, nhận xét: “Tài liệu này đã gây nên những phản ứng rất mạnh, điều đó có nghĩa là Tài liệu đã chạm đến một điều rất tế nhị và nhạy cảm; cần phải được nghiên cứu kỹ hơn”. Chính vì thế, chỉ hơn hai tuần sau khi công bố FS, Đức hồng y Bộ trưởng lại phải ra Thông cáo báo chí, trong đó có những điều không chỉ để làm sáng tỏ nhưng nghe như là “sửa sai”!

Xin lấy một ví dụ cụ thể. Thông cáo báo chí viết: “Vì một vài người nêu câu hỏi về việc chúc lành này cụ thể ra sao, chúng ta hãy nhìn một ví dụ cụ thể. Hãy tưởng tượng trong số đông khách hành hương có một cặp đã ly dị, rồi tái hôn, đến nói với linh mục: Xin cha chúc lành cho chúng con, chúng con không có việc làm, ông ấy lại rất yếu, chúng con không có nhà ở và đời sống thật khó khăn. Xin Chúa cứu giúp chúng con. Trong trường hợp này, vị linh mục có thể đọc một lời cầu nguyện đơn sơ như: ‘Lạy Chúa, xin nhìn đến những người con của Chúa, xin ban cho họ sức khỏe, việc làm, bình an và giúp đỡ lẫn nhau. Xin giải thoát họ khỏi tất cả những gì đi ngược lại Tin Mừng của Chúa và giúp họ sống theo thánh ý Chúa. Amen’. Rồi kết thúc lời nguyện bằng việc ghi dấu Thánh giá trên mỗi người.”

Nếu so sánh ví dụ cụ thể này với FS, có thể thấy ít nhất hai khác biệt: (1) lời cầu xin Chúa giải thoát họ khỏi những gì đi ngược lại Tin Mừng, nghĩa là nhìn nhận rằng họ đang sống không đúng Tin Mừng và xin cho họ có ơn hoán cải; (2) làm dấu Thánh giá trên từng người thay vì chúc lành cả hai một lúc. Cả hai điều này đều không có trong FS, và đây chính là điều nhiều Giám mục lên tiếng phê phán. Trong Thông cáo báo chí, Đức hồng y Fernandez cũng nói thêm rằng việc áp dụng FS “tùy thuộc vào bối cảnh địa phương và sự phân định của mỗi Giám mục trong Giáo phận”. Tất cả đều cho thấy FS là tài liệu chưa đủ độ chín.

Cùng với nhận xét về Tài liệu chưa đủ độ chín là câu hỏi về tính hiệp hành. Suốt hai năm nay, cả Hội Thánh được mời gọi suy nghĩ và sống tính hiệp hành, vậy FS có phải là hoa trái của hiệp hành và lắng nghe không? Bộ Giáo lý đức tin có tham khảo ý kiến của các Hội đồng giám mục trước khi ban hành tài liệu không? Một Giám mục Tây Ban Nha kêu lên: “Đây là vấn đề nhạy cảm và được tranh cãi nhiều, điều đáng ngạc nhiên là người ta lại không tiến hành theo cách thức hiệp hành, theo như Giáo hội học của Công đồng Vaticano II. Chúng ta đã có thể tránh được những phản ứng bất bình của các Hội đồng giám mục như ta đang chứng kiến hiện nay” (GM Jose Ignacio Munilla of Oribuela-Alicante).

Ngoài ra phải nói đến mối tương quan giữa giáo thuyết và mục vụ. FS khẳng định là Tuyên bố này vẫn bám chắc vào giáo huấn của Hội Thánh về hôn nhân. Trong Thông cáo báo chí cũng thế, Đức hồng y Bộ trưởng tiếp tục khẳng định sự trung thành với giáo huấn truyền thống của Hội Thánh, và mong muốn không ai cho FS là “rối đạo, đi ngược với Truyền thống của Hội Thánh hoặc phạm thượng”.

Thực ra, hầu hết các Giám mục đều nhìn nhận FS vẫn trung thành với giáo lý truyền thống của Hội Thánh về hôn nhân, nhưng vấn đề không chỉ là giáo thuyết đúng (ortho-doxy) mà còn là thực hành đúng (ortho-praxis), để việc thực hành không gây hoang mang, hiểu lầm trong Dân Chúa. Chẳng hạn để biện minh cho việc chúc lành các cặp đồng tính, trước đây Hồng y Fernandez trả lời: chúc lành cho cặp đôi (couple) chứ không chúc lành sự kết hợp của họ (union)! Nghe có vẻ hay nhưng không đủ sức thuyết phục vì thực tế là: có thể nói đến một cặp đôi đồng tính mà lại không hiểu ngầm về sự kết hợp, quan hệ tình dục của họ chăng? Một Giám mục đã nói thẳng: “Chúc lành một cặp đôi thì cũng giống như chúc lành sự kết hợp của cặp đôi ấy. Về lý luận cũng như trong thực tế, không có cách nào để tách biệt điều này với điều kia. Tại sao họ lại cùng nhau đến xin phép lành chứ không đến riêng lẻ từng người?” (GM Escudero, Peru).

Mong rằng những điều đáng tiếc như thế sẽ không tái diễn trong những tài liệu khác của vị Tân Bộ trưởng Bộ Giáo lý đức tin.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *