Câu hỏi: Linh mục hay tu sĩ dòng có lời khấn khiết tịnh vậy mức độ nghiêm trọng trong vi phạm lời khấn trong tư tưởng và hành vi khác nhau như thế nào. (Con thấy có đoạn lời Chúa: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn là đã phạm tội ngoại tình với người đó). Và so với Linh mục triều ko có lời khấn thì có khác gì so với Linh mục dòng.
Trả lời:
Độc thân khiết tịnh: Lời đáp trả của tình yêu
Trước khi bàn về sự khiết tịnh trong đời sống độc thân của các linh mục triều, và lời khấn khiết tịnh của người sống đời thánh hiến (linh mục, tu sĩ dòng), cũng như mức độ vi phạm đối với lời khấn này ra sao… chúng ta cần thống nhất với nhau điều này: đời độc thân thánh hiến là tiếng đáp trả cho lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa nơi người tu sĩ. Lối sống này vượt xa hơn việc giữ mình tránh vi phạm lời khấn, hay lỗi nhân đức khiết tịnh. Vì suy cho cùng, tất cả mọi bậc sống đều quy về mục đích chính: là con người được sống hạnh phúc trong ân nghĩa Chúa.
Đời sống của các linh mục, tu sĩ cũng thế. Họ cũng đang đi tìm hạnh phúc cho cuộc đời mình, bằng việc đáp trả lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa. Khi chọn lối sống độc thân, họ không từ bỏ khả năng tính dục, khả năng yêu thương. Họ chỉ đang lựa chọn cách yêu, hay đối tượng yêu mà thôi, và đó là Thiên Chúa – cùng đích cuộc đời họ. Họ muốn dâng trọn con tim, khả năng yêu thương của họ một cách triệt để cho đối tượng mà họ ưu tiên hơn hết, là Chúa. Và chính sự lựa chọn này đã đem đến cho họ 3 giá trị sau:
1) Giá trị của tình yêu dành Đức Kitô: họ để mình bị thu hút hoàn toàn vào Chúa, đặt Chúa là trung tâm, và ưu tiên trong cuộc đời mình.
2) Giá trị của sự phục vụ tha nhân: họ trở nên chứng nhân cho tình yêu, sự hiện diện của Chúa qua việc phục vụ người nghèo, người yếu thế trong xã hội bằng một cách tự do, không vướng bận bời đối tượng nào.
3) Giá trị của phục vụ Nước Trời: đời sống họ trở nên dấu chỉ ngày Cánh Chung: không cưới vợ lấy chồng, nhưng sống kết hợp với Chúa.
Thật cao quý, thật đẹp, và đáng ngưỡng mộ phải không? Tuy nhiên, người sống đời độc thân vì Nước Trời cũng có những thách đố và bão giông của riêng mình trên đường hoàn thiện, như bao người. Nói như thánh Phaolô, họ giữ kho báu này trong các “bình sành…” (2Cr 4,7). Thật vậy, ơn gọi độc thân thánh hiến là một ân huệ cao quý, nhưng lại được đặt để nơi thân xác yếu đuối của con người. Có những lúc, người linh mục, tu sĩ đã không vượt qua nỗi cô đơn, trống trải của đời sống độc thân vì những giằng co, đối kháng bên trong và bên ngoài, hay những nỗi loạn của bản năng giới tính, do không được hướng dẫn đạt tới sự trưởng thành trong tương quan, và nhận biết những vấn đề về tính dục của mình, đặc biệt là thiếu đời sống cầu nguyện và kết hiệp với Chúa… Những điều đó đã đưa họ đi tìm những khỏa lấp từ bên ngoài, do con tim chưa được lấp đầy bằng lòng mến Chúa. Họ quên rằng, khi chọn đời sống này, thì chỉ có Chúa mới thật sự lấp đầy những khắc khoải nơi con tim của họ. Nếu bạn thật sự quan tâm đến những gì đang xảy ra nơi những con tim yếu đuối ấy, hãy cùng tôi ngồi lại, và dành chút thời gian để hiểu về những chọn lựa, đặc tính, và những thử thách trong đời sống độc thân của các linh mục tu sĩ.
Đồng trinh, độc thân, khiết tịnh, và tiết dục: chuyện không của riêng ai
Thuật ngữ sống đồng trinh, độc thân, khiết tịnh, hay tiết dục không chỉ dành độc quyền cho linh mục, tu sĩ, hay các Ki tô hữu, mà là cho tất cả mọi người. Cha José Rovira Arumí dòng Claret, giáo sư học viện đời sống Thánh Hiến tại Roma và Phi Luật Tân, đã giúp chúng ta phân biệt những thuật ngữ này như sau:
– Đồng trinh: (virginitas = virginity) dùng để chỉ tình trạng của người không bao giờ quan hệ tình dục với bất cứ ai. Quan niệm này thường được áp dụng cho các linh mục, tu sĩ, và những ai sống đời thánh hiến. (LG 42, 50; VC 12, 25).
– Khiết tịnh: (castitas = chastity) dùng cho tất cả mọi người, ở bất cứ bậc sống nào. Tất cả mọi người đều được mời gọi sống khiết tịnh trong ơn gọi của mình: những người sống ơn gọi thánh hiến tu trì (LG 42, 43; PC 1, 5, 12), những ứng viên truyền chức thánh như phó tế, linh mục (OT 10), và những người chuẩn bị lập gia đình (GS 49).
– Độc thân: (Coelibatus = celibacy) dùng để chỉ những ai chưa lập gia đình và người quá bụa (AA 4), người chuẩn bị bắt đầu đời sống hôn nhân, phó tế (LG 29), và linh mục (LG 42, PO 16).
– Tiết dục: (continentia [perfecta] = continence dùng để chỉ những người biết tiết chế tính dục của mình, bao gồm trong và ngoài hôn nhân.
Ý thức được những khác biệt trên, chúng ta sẽ dễ dàng tiếp cận hơn với những đòi hỏi của độc thân linh mục và lời khấn khiết tịnh nơi các linh mục và tu sĩ dòng. Để rồi những khác biệt đó giúp chúng ta thấy được vẻ đẹp và giá trị của từng bậc sống, cũng như khao khát gìn giữ và làm thăng tiến ơn gọi của nhau mỗi ngày.
Độc thân linh mục và độc thân thánh hiến: những khác biệt
– Độc thân vì Nước Trời.
Để có thể diễn tả thích đáng về tình trạng độc thân của người sống đời tu trì (linh mục, tu sĩ dòng), Cha Rovira đã sử dụng thuật ngữ “độc thân vì Nước Trời” (celibacy for the Reign of God). Tương tự như vậy, nữ tu Sandra M. Scheiders lại dùng cụm từ “độc thân thánh hiến” (consecrated celibacy) để nói về tình trang độc thân của người tu sĩ. Bên cạnh đó, trong Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến, số 32 cũng nêu rõ: tình trạng độc thân là cửa ngỏ của đời sống thánh hiến, một đời sống họa lại nếp sống tại thế của Đức Kitô: tiết dục trong sự độc thân. Giáo luật điều 599 cũng nêu rõ: “Lời khuyên phúc âm về đức khiết tịnh được đảm nhận vì Nước Trời là dấu chỉ của thế giới sẽ đến, là nguồn sinh lực phong phú hơn trong một con tim không chia sẻ, và bao hàm nghĩa vụ tiết dục hoàn toàn trong bậc độc thân”. Như vậy, mọi hành vi trái với sự tiết dục dù là trong tư tưởng, lời nói hay hành động đều vi phạm lời khấn khiết tịnh. Giáo luật và quy luật của từng hội dòng sẽ xét theo từng trường hợp và mức độ vi phạm mà có những hình phạt và chế tài riêng.
– Độc thân linh mục
Vậy còn các linh mục triều thì sao? Một lần nữa, cha Rovira dùng cụm từ “độc thân linh mục” (priestly celibacy) để chỉ về tình trạng sống của các linh mục triều. Khác với các linh mục dòng, linh mục triều không có tuyên khấn ba lời khuyên phúc âm: khiết tịnh – nghèo khó – vâng phục. Do đó, họ không vi phạm lời khấn khiết tịnh! Tuy nhiên, các linh mục triều “có nghĩa vụ sống độc thân qua nghi thức luật định”[2]. Đó là luật buộc, và chính họ cũng tự nguyện ràng buộc mình sống theo luật độc thân đó, với một trái tim dành trọn cho Chúa, và như thế, họ sẽ tự do để làm việc của Chúa cách hữu hiệu hơn: phục vụ dân Chúa! Hơn thế, một linh mục cũng sẽ không vượt ra khỏi lối sống khiết tịnh, vốn là một nhân đức chung cho tất cả mọi người, mọi bậc sống.
Những vi phạm sự độc thân – khiết tịnh và hệ quả
Vì độc thân linh mục và độc thân khiết tịnh nơi người tu sĩ là một đòi hỏi cốt yếu từ Thiên Chúa, từ giáo hội cho dấu chỉ Nước Trời. Đây cũng là thái độ đáp trả triệt để nơi những linh mục, tu sĩ đối với lời mời gọi yêu thương của Chúa. Do đó, khi họ lơ là, hay không sống sự độc thân khiết tịnh này thì họ đang vi phạm giao ước yêu thương đã được ký kết bằng sự tự do ưng thuận của mình. Hậu quả là:
– Tình yêu dành cho Đức Kitô bị san sẻ. Những tương quan không trong sáng dù khác giới hay cùng giới đều tạo nên những vết thương nơi con tim đã đoan kết thuộc về Chúa. Họ làm tổn thương chính mình khi chơi trò “ghép tim”, tức là “dâng tim cho Chúa, rồi tìm quả tim người khác thay vào” (Đường Hy Vọng số 176).
– Giá trị của sự phục vụ tha nhân bị giảm sút. Một đời sống tông đồ không sinh nhiều hoa trái vì mãi lo bận lòng cùng những đối tượng ngoài Chúa. Con tim họ bị san sẻ nên sẽ không toàn tâm toàn ý cho Nước Trời, yêu Chúa và làm việc của Chúa.
– Giá trị của sự phục vụ Nước Trời bị lu mờ. Khi sự độc thân, hay khiết tịnh bị vi phạm, người linh mục, tu sĩ đã thất bại trong việc bắt chước Đức Kitô, đồng thời cũng đang đánh mất đi vai trò ngôn sứ về thời Cánh Chung, thời mà “không lấy vợ, gã chồng”, vì mọi người sẽ sống như các thiên thần, và bước vào trong tương quan viên mãn với Thiên Chúa (x. Mc 12:18-27). Tương quan này vượt lên trên sự mỏng giòn, yếu đuối của phận người, không dựa trên tính dục, nhưng bắt nguồn từ Thiên Chúa.
Bạn thân mến,
Độc thân linh mục và độc thân khiết tịnh vì Nước Trời là một quà tặng của sáng kiến tình yêu nơi Thiên Chúa. Do đó, khi nói về sự mức độ vi phạm lời khấn khiết tịnh hay sự tiết dục trong bậc độc nhân, vốn dĩ là một biểu lộ bên ngoài rõ ràng nhất cho sự hiến thân trọn vẹn nơi các linh mục tu sĩ, tôi muốn nhấn mạnh đến khía cạnh tương quan giữa họ với Thiên Chúa hơn là khía cạnh luận phạt hay chế tài do luật đem lại. Để yêu khác, và sống khác, các linh mục – tu sĩ đã phải chiến đấu rất nhiều để tôi luyện trái tim họ trưởng thành giữa đêm tối của cô đơn, bằng cách chuyển hóa những nỗi cô đơn ấy thành năng lượng tích cực và sáng tạo để phục vụ anh chị em đồng loại. Họ cần nơi chúng ta sự nâng đỡ bằng lời cầu nguyện, và sự thận trọng trong các mối tương quan hầu giúp họ trung thành và tự do thuộc về Chúa cả xác và hồn.
Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 6, Nxb Tôn Giáo, 05/2021)
WHĐ (23.04.2024)