Lòng sùng kính Chúa Giêsu Hài Đồng

Vào đêm 24 tháng 12, mọi ánh mắt đều đổ dồn về Bêlem, nơi cách đây hơn 2000 năm Ngôi Lời đã làm người và sống giữa chúng ta trong một chuồng vật nhỏ bé khiêm tốn ở Palestin. Nếu việc Giáng sinh của Chúa Giêsu Hài Đồng được Thánh Kinh kể lại rõ ràng, thì các chi tiết về thời thơ ấu của Ngài lại được tường thuật ít ỏi hơn trong các sách Tin Mừng. Một điều cũng ít được biết đến là lòng sùng kính đặc biệt đối với thời thơ ấu của Chúa Giêsu.

Linh đạo này đặc biệt là hồng ân của các tu sĩ Cát Minh, những người khuôn đúc đời sống nội tâm của mình theo Chúa Hài Đồng trong sự đơn sơ và khiêm nhường đối với Thiên Chúa. Một lòng đạo đức được tôn kính tại đền thánh Beaune ở Pháp, nơi Người được mệnh danh là “Tiểu Vương Ân Sủng”. Chúa Giêsu Hài Đồng ở Beaune thậm chí còn được liên kết với vương quyền nước Pháp, khi nhà thần bí và đấng đáng kính Marguerite Thánh Thể, dòng Cát Minh, tiên báo vào năm 1637 về sự ra đời của vua Louis XIV tương lai trong khi hoàng hậu Anne của Áo tuyệt vọng trong việc tìm kiếm người thừa kế. Chúa Giêsu Hài Đồng cũng chiếu sáng ở Praha, Rôma và Tây Ban Nha trong Thế kỷ Hoàng Kim.

Sơ Huberta, tu sĩ người Ba Lan, nữ tu đan viện Cát Minh Hài Đồng Giêsu, làm việc tại đền thánh Beaune xứ Bourguignon. Sơ mô tả chi tiết về sự tỏa sáng và ý nghĩa thiêng liêng của việc sùng kính Chúa Giêsu Hài Đồng mà thế giới đang mừng ngày sinh của Ngài.

Delphine Allaire: Đâu là nguồn gốc của lòng sùng kính Chúa Giêsu Hài Đồng?

Sơ Huberta: Việc tôn thờ Chúa Giêsu Hài Đồng đến với chúng ta từ Dòng Cát Minh của thánh Têrêsa Avila ở Tây Ban Nha. Vị thánh này đã khám phá ra nhân tính của Chúa Kitô vào thời của mình. Tất cả những gì thánh nữ  đã thể hiện trong các bài viết của mình là đặt con người Chúa Giêsu  vào trung tâm cuộc sống của các chị em. Ngay cả những công trình xây dựng các nhà nguyện Cát Minh cũng lấy Chúa Giêsu làm trung tâm. Thánh Têrêsa Giêsu luôn mang theo tượng Chúa Giêsu Hài Đồng khi ngài thành lập các tu viện khác nhau. Có những bức tượng với nhiều loại và kích cỡ khác nhau ở các đan viện Cát Minh, chẳng hạn như bức tượng Chúa Giêsu Hài Đồng ở Beaune, một trong những bức tượng kỳ diệu nổi tiếng nhất thế giới. Hai bức tượng khác là tượng Chúa Giêsu Hài Đồng ở Praha và tượng Chúa Giêsu Hài Đồng ở Rôma, tại Vương cung thánh đường Santa Maria ở Aracoeli.

Delphine Allaire: Làm thế nào mà lòng tôn thờ này sau đó lan rộng và trở thành một hình thức đạo đức bình dân?

Sơ Huberta: Tôi nghĩ chúng ta có thể quay lại máng cỏ. Những người đầu tiên được Chúa Giêsu Hài Đồng soi sáng, nhờ ánh sáng của Thiên Chúa, là các mục đồng; những con người hết sức đơn sơ, có tấm lòng rộng mở để đón nhận ánh sáng của Thiên Chúa. Được các thiên thần báo cho biết, họ đã loan báo Tin Mừng. Đến gần Chúa Giêsu Hài Đồng có nghĩa là đến gần cuộc sống và niềm vui được nhìn thấy một hài nhi. Trong các máng cỏ Giáng Sinh khác nhau ở các nhà thờ hoặc gia đình, Chúa Giêsu Hài Đồng thánh thiện được vây quanh bởi những nhân vật khác nhau, nghèo, giàu, đơn sơ, trẻ em. Liên quan đến Dòng Cát Minh ở Beaune, chính vào năm 1643 mà Gaston de Renty, một trong những người đã khám phá ra nhân tính của Chúa Kitô và là một phần của Trường phái Tu đức Pháp – một phong trào bắt nguồn từ cuộc Phản Cải cách -, đã tặng một bức tượng Chúa Giêsu Hài Đồng cho Marguerite Thánh Thể. Bức tượng này được tìm thấy tại đền thánh Chúa Giêsu Hài Đồng ở Beaune.

Delphine Allaire: Tại sao, giống như thánh Têrêsa Avila hay Marguerite Thánh Thể, chúng ta lại được Chúa Giêsu Hài Đồng thu hút một cách đặc biệt về mặt thiêng liêng?

Sơ Huberta: Việc Người trở thành một hài nhi, việc Ngôi Lời nhập thể đến sống giữa chúng ta, thu hút chúng ta qua một hành động thần linh huyền nhiệm. Con người cần Thiên Chúa. Marguerite Thánh Thể có những ơn ngoại thường. Ngài đã tiếp xúc với Chúa Giêsu Hài Đồng, Người đã nói chuyện với ngài và giải thích mọi điều cho ngài. Marguerite đã truyền lại điều đó cho các nữ tu của mình. Chính như thế mà ngài đã thành lập gia đình của Chúa Giêsu Hài Đồng trong cộng đồng Beaune nơi ngài đang sống.

Delphine Allaire: Đâu là những mầu nhiệm về thời thơ ấu thiêng liêng của Chúa Kitô và tại sao lại suy niệm về các mầu nhiệm này?

Sơ Huberta: Marguerite Thánh Thể đã sống chiêm ngưỡng các mầu nhiệm về Chúa Giêsu Hài Đồng. Ngài đã soạn một bài cầu nguyện có tựa đề “Vương miện nhỏ” để suy niệm về 12 mầu nhiệm thời thơ ấu của Chúa Giêsu. Trong số mười hai mầu nhiệm này, có mầu nhiệm nhập thể của Chúa, tiếp đến mầu nhiệm thứ hai: ở trong lòng Thánh Mẫu của Người; mầu nhiệm thứ ba: sự giáng sinh; mầu nhiệm thứ tư: ở trong chuồng vật; mầu nhiệm thứ năm: cắt bì; mầu nhiệm thứ sáu: Lễ Hiển Linh; mầu nhiệm thứ bảy: Dâng Chúa vào đền thánh; mầu nhiệm thứ tám: trốn sang Ai Cập; mầu nhiệm thứ chín: Người trở về từ Ai Cập; mầu nhiệm thứ mười: đời sống ẩn dật ở Nadarét; mầu nhiệm thứ mười một: chuyến đi của Người với Đức Mẹ và thánh Giuse, và mầu nhiệm thứ mười hai: Người ở lại trong đền thờ giữa nơi hoang vắng.

Đây là những mầu nhiệm chi tiết mà chúng ta thấy rõ ràng trong các sách Tin Mừng, và cuộc đời của Chúa Giêsu  Hài Đồng có được ngay từ những giây phút đầu tiên, từ khi nhập thể trong cung lòng Đức Maria. Chúng giúp chúng ta suy niệm về cuộc đời của Người, đến gần Người và sống chúng hàng ngày. Chẳng hạn, nơi một trong những mầu nhiệm về Chúa Giêsu Hài Đồng, chúng ta thấy “sống trong hạnh phúc vì được Thánh Gia yêu thương”; hay qua việc Chúa Giêsu Hài Đồng đi cùng cha mẹ, chúng ta nói rằng Người thánh hóa mọi bước đi của chúng ta. Khi đi lễ hoặc thực hiện những bổn phận đơn sơ của mình, chúng ta có thể dâng các bước đi của mình cho Chúa. Suy niệm về những mầu nhiệm này là đào sâu những gì chính Chúa Giêsu đã trải qua trên trần gian.

Delphine Allaire: Chúa Hài Đồng với vương quyền Đấng Kitô nói với chúng ta điều gì?

Sơ Huberta: Người cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa Cha muốn ban Con của Ngài làm hài nhi để trong Người, chúng ta cũng có thể trở thành con Thiên Chúa. Chúa Giêsu Hài Đồng còn được gọi bằng nhiều danh hiệu khác nhau là Hài Nhi Giêsu Vua. Thế kỷ 17 là thời kỳ mà lòng sùng kính Thánh Tâm và lòng sùng kính Chúa Giêsu Hài Đồng trở nên phổ biến. Chúa Giêsu ngự trị trong tâm hồn chúng ta một cách mạnh mẽ và quyền năng. Rõ ràng, phong cách vương quyền của Đấng Kitô ngang qua sự khiêm nhường, vâng phục, đơn sơ, khó nghèo, trong trắng, tin tưởng và hy vọng. Đây là những nhân đức chính của Chúa Giêsu Hài Đồng. Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, và bằng cách này, chúng ta, với tư cách là con cái Thiên Chúa, cũng phải phục vụ lẫn nhau. Chính Người với tư cách là Vua đã chỉ cho chúng ta cách thực hiện điều đó.

Delphine Allaire: Làm thế nào để đạt được, gìn giữ và vun trồng tinh thần thơ ấu trong đức tin?

Sơ Huberta: Sự sinh ra của chúng ta vào tuổi thơ thần linh đến với chúng ta bằng đức tin, bằng một hành vi đức tin mà chúng ta có thể thực hiện được. Ngay cả khi chúng ta trải qua những đêm tối, chúng ta có thể nhận ra ánh sáng của Bêlem nhờ ân sủng được Thiên Chúa ban cho chúng ta và vốn chiếm ưu thế trên bóng tối. Chúng ta là những người con của ánh sáng, những mục đồng, những vị khách đầu tiên vây quanh Trẻ sơ sinh là những con người đơn sơ và bị xa cách. Hoàn toàn trái ngược với một giới tinh hoa và không ai nghĩ đến việc kiểm tra xem họ có đang ở trong tình trạng ân sủng hay không. Cha Philippe Lefebvre nói trong Magnificat rằng hãy đến như bạn là, chính để cứu chúng ta mà Thiên Chúa đã sai Con của Ngài đến. Nếu phải xứng đáng với ơn cứu độ để được hưởng ơn cứu độ, thì ai có thể có liên quan tới? Tiếp đến, ngài mời gọi chúng ta hãy quên rằng chúng ta đã quên đi những quyết tâm tốt đẹp của Mùa Vọng, vì mọi sự đều ở trong ánh sáng của Thiên Chúa, Đấng đến viếng thăm một cách dịu dàng những tâm hồn sẵn sàng. Tất cả chúng ta đều được chờ đợi ở máng cỏ để vui mừng và ngạc nhiên thán phục.

Delphine Allaire: Chúa Giêsu Hài Đồng ở Praha cầm một quả địa cầu trong tay. Trong thế giới của chúng ta bị tàn phá bởi các cuộc chiến tranh, khủng hoảng và bạo lực, việc sùng kính Chúa Giêsu Hài Đồng với tất cả sự ngây thơ và trong trắng của Người có phải là một phản ứng tâm linh tốt đẹp không?

Sơ Huberta: Tất cả chúng ta đều cảm nghiệm được rằng thái độ bạo lực của chiến tranh, vốn thực sự mang lại cái chết, không phù hợp với Hài Nhi vốn trong trắng và ngây thơ. Các thiên thần loan báo cho các mục đồng rằng Chúa Giêsu Hài Đồng sẽ là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa đối với họ. Chúng ta có cơ hội sống mùa Giáng Sinh này để dạy cho chúng ta trở nên đơn sơ và nhỏ bé trước mặt Thiên Chúa, để đón nhận nhau và chấm dứt bạo lực. Bởi vì mỗi con người đều có phẩm giá hài nhi của mình. Và chúng ta không giơ tay đánh vào hài nhi, chúng ta không làm tổn thương nó vì nó trong trắng.

Chuyển ngữ: Tý Linh
Theo nhật báoVatican News (24.12.2023)
Nguồn: xuanbichvietnam.net (31.12.2023)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *