Mở đầu – Lắng nghe tiếng nói từ nội tâm

Gió muốn thổi đâu thì thổi, nhưng không phải cơn gió nào cũng đến từ Thánh Thần!

Trong lịch sử cứu độ, Thánh Thần luôn hiện diện như ngọn gió tự do, thổi qua những tâm hồn sẵn sàng vâng phục. Ngài không cưỡng ép nhưng luôn dẫn dắt cách kín đáo, làm nảy sinh những con người khác biệt vì thuộc về Chúa, dám đi vào lề trái của lịch sử để đổi mới thế giới trong Thần Khí.

Tuy nhiên, không phải mọi sự khác biệt đều là ơn sủng. Có những cơn sóng ngầm không đến từ Thánh Thần, mà từ cái tôi chưa được thánh hóa: những phản ứng cố chấp, những thái độ bất mãn, những khát vọng chưa được cứu độ – tất cả có thể khoác lên mình danh nghĩa “sáng tạo” hay “can đảm”, nhưng thực chất lại là cố chấp đội lốt lý tưởng.

Thế giới hôm nay đề cao cá tính mạnh, sự độc lập và nổi bật. Đời tu cũng không nằm ngoài những luồng tư tưởng ấy. Có người tự cho mình là “ngôn sứ cô đơn”, “tiên tri ngược dòng” nhưng thực ra là người đang bơi ngược về phía cái tôi.

Vì thế, câu hỏi cần đặt ra cho người môn đệ không phải là: Tôi có khác biệt không? nhưng là: Sự khác biệt nơi tôi đến từ đâu, từ ngọn gió của Thánh Thần, hay từ cuộn sóng cái tôi chưa được quy phục?

Nội dung

1. Đức Giêsu – Mẫu gương sự khác biệt thánh thiện

Đức Kitô không giống ai. Ngài khác biệt hoàn toàn với hệ thống tôn giáo và xã hội thời bấy giờ. Nhưng sự khác biệt của Ngài không đến từ phản kháng, mà từ tình hiệp thông tuyệt đối với Chúa Cha: “Thật vậy, không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì” (Ga 12, 49). Ngài không đi tìm một lập trường riêng, nhưng chỉ làm theo điều Chúa Cha đã làm. “Người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm” (Ga 5, 19). Khác biệt của Ngài là kết quả của sự vâng phục, chứ không phải là sản phẩm của cái tôi nổi loạn.

Người môn đệ đích thực không đứng ngoài cộng đoàn để chỉ trích, nhưng ở lại, đau với cộng đoàn, sống với cộng đoàn, và canh tân cộng đoàn từ bên trong.

2. Thánh Phaolô – Can đảm đổi mới trong khiêm tốn vâng phục

Thánh Phaolô từng là người “khác biệt”: cải đạo đột ngột, hành động mạnh mẽ, ngôn từ táo bạo. Nhưng ngài luôn phân định trong mối tương quan với cộng đoàn Tông đồ. Sau thời gian dài rời Giêrusalem, ngài đã trở lại “và đã trình bày cho người ta Tin Mừng tôi rao giảng cho dân ngoại…, vì sợ rằng tôi ngược xuôi, và đã ngược xuôi vô ích” (Gl 2, 2). Sự khác biệt của Phaolô luôn đi kèm với nhu cầu kiểm chứng, với lòng tôn trọng hiệp nhất, và trên hết là tình yêu đối với các cộng đoàn ngài phục vụ: “Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người” (1 Cr 9, 22).

3. Giáo huấn của Hội Thánh – Vâng phục là chiều kích của ân sủng

a. Sự khác biệt chân thật nảy sinh trong lòng vâng phục

Tông huấn Vita Consecrata cho thấy rằng sự vâng phục không làm “nghẹt thở” cá tính, nhưng thanh luyện và làm cho nó sinh hoa trái dồi dào hơn. “Ai vâng phục thì được bảo đảm là mình đang thi hành sứ mạng, bước theo Chúa chứ không phải là theo ước muốn hay theo cảm hứng riêng của mình. Như thế, họ có thể biết rằng mình được Thánh Thần Thiên Chúa dẫn đưa và được bàn tay dũng mãnh của Người nâng đỡ, ngay giữa lúc gặp những khó khăn gian khổ” (VC 92). Một người tận hiến khác biệt cách đúng đắn khi biết quy chiếu đời sống mình vào cộng đoàn, vào Đấng sai đi, và vào sứ mạng chung của Hội Thánh.

b. Cảnh giác với tinh thần chia rẽ nhân danh đặc sủng

Tài liệu Mutuae Relationes cảnh báo rằng không có đặc sủng nào được ban cho để chống lại sự hiệp nhất của Hội Thánh. Những đặc sủng chân chính luôn quy về sự hiệp thông. “Bản thân mỗi tu sĩ chắc chắn cũng có những hồng ân cá nhân, và không nghi ngờ gì, những hồng ân ấy thường xuất phát từ Thánh Thần. Chúng được ban để làm phong phú, phát triển và trẻ hóa đời sống của hội dòng, đồng thời thể hiện tinh thần canh tân trong sự hiệp nhất cộng đoàn. Tuy nhiên, việc phân định các hồng ân này và sử dụng chúng cách đúng đắn cần được đánh giá dựa trên mức độ hòa hợp giữa chúng với cam kết cộng đoàn của hội dòng, cũng như với nhu cầu của Hội Thánh, dưới ánh sáng phán đoán của quyền bính hợp pháp” (MR 12). Như vậy, bất kỳ hình thức “khác biệt” nào đưa đến chia rẽ, chống đối, hay cô lập đều cần phải được phân định kỹ lưỡng, vì có thể là biểu hiện của cuộn sóng cái tôi, chứ không phải của ngọn gió Thánh Thần.

4. Một số tiêu chí phân định cụ thể

Để xác định đâu là “khác biệt” do Thánh Thần và đâu là “cố chấp” do bản ngã, cần có một số tiêu chí cụ thể làm nền: nguồn gốc, động lực, thái độ, kết quả và hoa trái thiêng liêng.

Về nguồn gốc, sự khác biệt do Thánh Thần luôn nảy sinh từ một tiến trình nội tâm: cầu nguyện sâu xa, lắng nghe Lời Chúa và phân định lâu dài trong ánh sáng đức tin. Điều này dẫn tới hành động không vội vàng, không bốc đồng, mà biết đợi chờ, lắng nghe và sẵn sàng từ bỏ ý riêng nếu đó không phải là thánh ý Chúa. Ngược lại, sự cố chấp thường khởi đi từ những phản ứng cảm xúc chưa được cứu độ: bất mãn vì bị tổn thương, phản kháng vì không được công nhận, hay tự vệ vì lo sợ mất vị thế. Đây là những “cuộn sóng cái tôi” – đến từ bên trong, và không được soi sáng bởi Thánh Thần.

Về động lực, người được Thánh Thần hướng dẫn luôn là tình yêu đối với Hội Thánh và khát khao phục vụ chân lý. Người ấy khác biệt không phải để nổi bật, nhưng để làm điều đúng, vì ích lợi của cộng đoàn và sứ mạng Tin Mừng. Trong khi đó, động lực của sự cố chấp thường là cái tôi muốn khẳng định, muốn áp đặt quan điểm của mình lên người khác. Khi bản ngã là trung tâm, thì ngay cả những sáng kiến xem ra tốt đẹp cũng trở nên nguy hiểm, vì chúng tách người đó ra khỏi nhịp sống cộng đoàn và tinh thần hiệp thông.

Về thái độ, sự khác biệt do Thánh Thần không loại trừ khả năng sai lầm, và vì thế, người có Thánh Thần khiêm tốn lắng nghe góp ý, sẵn sàng sửa mình và đón nhận ánh sáng từ người khác. Ngược lại, người cố chấp thường chống đối mọi ý kiến khác mình, phủ nhận mọi góp ý từ bề trên hay cộng đoàn, thậm chí biện minh một cách khéo léo cho thái độ khép kín của mình. Càng bị góp ý, họ càng đẩy mình ra xa người khác.

Về kết quả, một trong những “dấu chỉ phân định” quan trọng là kết quả cụ thể mà sự khác biệt ấy tạo ra. Nếu khác biệt đến từ Thánh Thần, thì nó dẫn đến hiệp thông sâu xa hơn, giúp đổi mới cộng đoàn một cách nhẹ nhàng và tích cực. Nếu khác biệt là sản phẩm của bản ngã, nó sẽ gây chia rẽ, bất hòa, làm rối loạn nội bộ, khiến cộng đoàn trở nên mỏi mệt vì phải xử lý những căng thẳng không cần thiết. Cái tôi càng lớn, cộng đoàn càng nhỏ lại.

Về hoa trái thiêng liêng, đây là thước đo quan trọng nhất. Sự khác biệt đến từ Thánh Thần sẽ sinh hoa trái bình an, kiên trì, và mang lại lợi ích lâu dài cho sứ vụ. Người khác biệt trong Thánh Thần trở thành chứng nhân đáng tin, truyền cảm hứng và nâng đỡ người khác. Trong khi đó, sự cố chấp – dù có vẻ “mạnh mẽ” – chỉ để lại bất an, kiêu căng, thiếu chiều sâu thiêng liêng và không sinh ích cho việc truyền giáo. Người ấy thường thấy mình cô đơn, và điều đó không phải vì họ bị loại trừ, mà vì họ tự tách mình ra.

5. Cái nhìn từ những người khôn ngoan

a. Thomas Merton

– Niềm vui đích thực duy nhất trên trần gian này là được thoát ra khỏi nhà tù của cái tôi giả tạo, và nhờ tình yêu, bước vào sự kết hợp với Đấng Sự Sống – Đấng đang ngự và hát lên trong tận cùng bản thể của mọi loài thụ tạo, cũng như nơi thẳm sâu linh hồn chúng ta.

– Có thể đúng rằng ngôn sứ nào cũng gây khó chịu, nhưng không phải ai gây khó chịu cũng là ngôn sứ. Không có biểu hiện nào của cái tôi giả tạo bám rễ sâu hơn bằng chính kẻ tự xưng là ngôn sứ.

b. Romano Guardini

– Nếu con người tự do đến mức trở thành thước đo của thực tại, thì anh ta bị kết án phải sống trong một nỗi cô đơn thăm thẳm. Một con người thực sự cô độc sẽ không biết dùng tự do của mình để làm gì, cũng chẳng biết phải hiểu thực tại như thế nào.

Kết luận – Trở về với Ngọn Gió đích thực

“Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình” (Pl 2, 3). Người môn đệ thật sự không đi tìm sự nổi bật, mà đi tìm con đường trung thành trong ẩn khuất. Không cần khác biệt để được nhìn thấy, nhưng khác biệt vì được sai đi. Không để cái tôi thúc đẩy, nhưng để Thánh Thần dẫn dắt.

Lạy Thánh Thần là ngọn gió lành,
xin thổi vào lòng chúng con khát vọng nên thánh trong hiệp thông.
Xin uốn nắn ý riêng chúng con,

để trở thành sự khác biệt theo ý Chúa chứ không cố chấp theo bản ngã.

Xin cho chúng con cảnh giác với cuộn sóng cái tôi nơi sâu thẳm lòng mình,

để từ đó chỉ bước đi trong làn gió của Thần Khí. Amen.

___________

Tài liệu của Bộ Đời Sống Thánh Hiến và Bộ Giám Mục: “Những chỉ dẫn về mối liên hệ hỗ tương giữa các Giám mục và các Dòng tu trong lòng Hội Thánh”, ban hành ngày 14/05/1978.

Thomas Merton (1915–1968) là một nhà thần học, tu sĩ chiêm niệm, nhà văn Công giáo và nhà tư tưởng nổi bật của thế kỷ 20. Ông được xem là một trong những nhân vật có ảnh hưởng lớn đến đời sống thiêng liêng và đối thoại liên tôn trong thời hiện đại. Ông sinh ngày 31 tháng 1 năm 1915 tại Prades, Pháp, mồ côi mẹ khi mới 6 tuổi và ít năm sau cũng mồ côi cha. Ông từng sống ở Pháp, Anh, rồi chuyển đến Hoa Kỳ để học tại Đại học Columbia (New York), nơi ông bắt đầu quan tâm đến tôn giáo và triết học.

Merton chính thức trở lại đạo Công giáo năm 1938, sau một hành trình nội tâm nhiều chất vấn và hoài nghi. Năm 1941, ông gia nhập Dòng Xitô Trappist tại đan viện Gethsemani ở bang Kentucky, và thụ phong linh mục. Từ đó, ngài sống đời ẩn tu, cầu nguyện và lao động chân tay, nhưng đồng thời cũng viết lách rất nhiều. Ngài đã viết hơn 60 cuốn sách và hàng trăm bài viết về linh đạo, chiêm niệm, Công giáo, xã hội, chiến tranh, và đối thoại liên tôn.

Về cuối đời, cha Merton đặc biệt quan tâm đến đối thoại với Phật giáo, Ấn giáo và Đạo giáo, tìm cách gặp gỡ giữa chiêm niệm Kitô giáo và minh triết Á Đông. Năm 1968, trong chuyến đi Á châu để tham dự một hội nghị liên tôn tại Bangkok, ngài gặp gỡ nhiều vị lãnh đạo tôn giáo, trong đó có Đức Đạt Lai Lạt Ma và Thiền sư Nhất Hạnh. Ngài qua đời đột ngột tại Thái Lan ngày 10 tháng 12 năm 1968, ở tuổi 53.

The only true joy on earth is to escape from the prison of our own false self and enter by love into union with the Life Who dwells and sings within the essence of every creature and in the core of our own souls” (New Seeds of Contemplation, 1962 – New Seeds Of Contemplation Chapter Summary | Thomas Merton).

It may be true that every prophet is a pain in the neck, but it is not true that every pain in the neck is a prophet. There is no more firmly entrenched expression of the false self than the self‑proclaimed prophet” (Prayer and Ploitiks – At the intersection of spiritual formation and profestic action – More Merton quotes – Prayer & Politiks).

Romano Guardini (1885–1968) là một trong những nhà thần học, triết gia và nhà giáo dục Công giáo có ảnh hưởng sâu rộng nhất của thế kỷ 20. Romano Guardini sinh ngày 17/12/1885 tại Verona, Ý, trong một gia đình gốc Ý nhưng ông lớn lên tại Đức. Ông học thần học và triết học tại các đại học Tübingen và Freiburg, và được phong chức linh mục năm 1910. Sau đó, cha Guardini trở thành giáo sư tại Đại học Berlin (1923–1939) và sau chiến tranh tiếp tục giảng dạy tại các đại học Tübingen và Munich.

Cha Guardini là người tiên phong trong phong trào canh tân phụng vụ, vốn ảnh hưởng lớn đến Công đồng Vatican II. Tác phẩm “Tinh thần phụng vụ” (Vom Geist der Liturgie, 1918) đã ảnh hưởng sâu sắc đến Joseph Ratzinger (sau này là Đức Bênêđictô XVI). Ngài nhấn mạnh chiều kích cá vị, lương tâm, và tương quan giữa con người và Thiên Chúa trong một thế giới bị tục hóa. Cha Guardini đặt nền cho cách hiểu mới về con người như hữu thể tương quan, vừa mang tính siêu việt vừa bị giới hạn bởi thời đại. Cha Romano Guardini qua đời ngày 1/10/1968 tại Munich, Đức.

Cha Guardini là một trong những nguồn cảm hứng lớn cho các giáo hoàng hiện đại: Đức Bênêđictô XVI coi Guardini là một trong những “người thầy nội tâm” của mình. Đức Phanxicô đã nhiều lần trích dẫn tác phẩm của Guardini, đặc biệt trong thông điệp Laudato Si’, liên quan đến trách nhiệm sinh thái và giới hạn của kỹ trị.

If man is so free as to be the measure of reality, he is condemned to an abysmal loneliness. A truly solitary man would not know what to make of his freedom, nor would he know what to make of reality” (Luigi Giussani, Religious Awareness in Modern Man – Communio International Catholic Review Vol. 25.1, 125).

Lm. Giêrônimô Nguyễn Đình Công